Hồ nước – Yếu tố đặc trưng của đô thị Hà Nội

Cùng với hệ thống sông ngòi, hồ nước trở thành yếu tố đặc thù của Hà Nội với những giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử cũng như cấp độ, tính chất, chức năng trong quy hoạch và góp phần trở thành các không gian mở dành cho cộng đồng ở khu vực trung tâm, giao tiếp cộng đồng tạo nên sự quyến rũ, thu hút du khách.

Mặt nước – Yếu tố đặc trưng của đô thị Hà Nội

Vùng nội thành với tên Hà Nội có nghĩa là đất trong các con sông Hồng, Tô Lịch và sông Nhuệ, trong đó sông Hồng lớn nhất miền Bắc. Hệ thống sông Hồng là tác nhân quan trọng nhất trong sự hình thành và biến đổi vùng đất Thăng Long xưa và nay: Theo quy luật phát triển thì lòng sông trong quá trình uốn khúc sẽ ngày càng cong hơn, nước sông vào mùa lũ nhiều, khó tiêu thoát tại đoạn cong nên dòng nước sẽ cắt thẳng ở 2 khúc  uốn gần nhau, bỏ lại đoạn sông cong cũ thành sông chết hoặc hồ móng ngựa – dấu tích các khu vực mặt nước lớn như hồ Tây, hồ Gươm ngày nay.

Hiện nay Thủ đô có ngót nghét 100 hồ, đầm (5 quận nội thành cũ: Ba Đình 7, Hoàn Kiếm 1, Đống Đa 11, Hai Bà Trưng 7, Tây Hồ 5) dưới dạng hồ tự nhiên, hồ trong công viên (10) hoặc hồ điều hòa trong các khu tập thể cũ hay đô thị mới.

Chức năng, giá trị hồ nước trong đô thị

1.Các giá trị

Hồ có rất nhiều giá trị: Văn hóa, lịch sử, danh thắng và cả về kinh tế, trong bài đề cập đến 2 giá trị nổi trội liên hệ với đô thị:

  • Giá trị về cảnh quan với yếu tố chủ đạo là mặt nước, cây xanh;
  • Giá trị về môi trường, cải thiện vi khí hậu khu vực;

2.Chức năng hồ trong cấu trúc đô thị

  • Hồ nước là không gian mở và khu vực xung quanh hồ là không gian giao tiếp cộng đồng. Tùy vị trí trong quy hoạch mà cấp độ hồ khác nhau: Cấp thành phố, quận huyện hay khu vực. Ví dụ hồ Hoàn Kiếm là cấp độ của cả Hà Nội, nơi có vị trí bưu điện là cột mốc Km số 0, điểm khởi đầu của các tuyến đường quốc lộ;
  • Trong các quận nội thành cũ: Hồ nước trong trung tâm đô thị lịch sử trở thành yếu tố đặc trưng của Hà Nội mà không phải đô thi nào trên thế giới cũng có được.

Thực trạng quản lý, khai thác hồ

1.Về pháp lý

UBND Thành phố có quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 về Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định quan điểm phát triển: Tích hợp giải pháp cảnh quan với giải pháp môi trường như gắn liền các mặt nước hiện có thành công viên, mảng xanh đô thị, kết hợp thoát nước mưa. Tùy theo từng khu vực mà xác định phương thức, mục tiêu cải tạo, xây dựng phát triển khác nhau cụ thể:

  • Hồ tại vị trí quan trọng, trong khu vực đặc thù cảnh quan (hồ Gươm, hồ Tây): Có quy hoạch phân khu kèm theo quy định quản lý. Tuy nhiên, các đồ án qui hoạch còn mang tính chung chung, không đủ cụ thể để kiểm soát xây dựng nên chưa thực sự trở thành trung tâm hấp dẫn du lịch;
  • Hồ trong công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thành Công, Thanh Nhàn, Yên Sở…) dù có nội quy khai thác sử dụng nhưng trên thực tế đã có những phần đất khai thác sử dụng sai mục đích;
  • Các hồ điều hòa trong khu tập thể cũ, đô thị mới: Tập thể cũ quản lý kém dẫn đến lấn chiếm, rác thải, đô thị mới được tư nhân quản lý tốt.

2.Về quản lý

Tùy cấp độ mà hồ được phân cấp do Sở Xây dựng hoặc UBND các quận huyện, chính quyền phường xã quản lý (Quyết định số 1495/QĐ-UBND).

  • Công tác quản lý nhìn chung còn lỏng lẻo, thực thi không nghiêm, quy định xử phạt hành chính không đủ mạnh và không xử lý triệt để ngay từ khi vi phạm nên tình trạng lấn chiếm phổ biến và liên tục; Năng lực quản lý chuyên môn kém nên thẩm mỹ, cảnh quan không làm nổi bật giá trị cảnh quan; Với vị thế trung tâm và giá trị cảnh quan, môi trường, khí hậu nên các hồ nước khu vực nội đô lịch sử như hồ Gươm, hồ Tây chịu sức ép lớn của đô thị hóa;
  • Chủ đầu tư vì lợi nhuận tối đa nên xây dựng công trình cao tầng, sai phép, phá vỡ cấu trúc, hình thái không gian kiến trúc cảnh quan khu vực;
  • Một bộ phận dân cư ý thức chưa cao,

Tất cả dẫn đến tình trạng diện tích mặt nước bị thu nhỏ, hình dáng biến dạng. Việc thoát nước thải, đổ rác, chất thải xuống hồ, khai thác thủy sản cũng làm cho chất lượng nước, môi trường bị ô nhiễm.

3.Một số chuyển biến tích cực thời gian qua

  • Kè hồ, tuy nhiên chủ yếu là bê tông hóa làm mất cảnh quan tự nhiên hồ;
  • Cải thiện chất lượng nước, công viên Yên Sở là điển hình: Biến hồ nước thải này thành công viên sinh thái;
  • Giải phóng mặt bằng khu vực lấn chiếm, tạo tuyến giao thông bao quanh hồ, tạo thành đường vành đai chống lấn chiếm, tuy nhiên lại chất tải thêm bụi, ồn;
  • Chú trọng chủng loại cây xanh cảnh quan, tăng cường chiếu sáng cảnh quan… nhưng nhìn chung thiết kế đơn điệu, na ná nhau, không tạo ra đặc thù riêng biệt.

Trong hơn 1 năm qua, có 02 việc triển khai tại khu vực trung tâm đô thị lịch sử, được dư luận đồng tình:

  • Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm với tiêu chí phát triển: Tính Sang trọng – Tính Tiêu biểu – Tính Văn hóa.
  • Cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc trên các tuyến phố bao quanh và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm với các tác động: Khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc; các bộ phận gắn vào công trình được sắp xếp, dỡ bỏ mái che, mái vẩy; lắp đặt biển hiệu văn minh.

Hiệu quả đem đến của 2 công việc trên:

– Chất lượng đô thị khu vực được nâng lên rõ rệt, số khách đến du lịch, tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm và Khu phố Cổ liền kề tăng vọt;

– Bổ khuyết không gian công cộng vốn yếu và thiếu trong nội đô lịch sử;

– Tách giao thông cơ giới, giảm tiếng ồn, an toàn cho đối tượng sử dụng mà tạo ra không gian chiêm ngưỡng giá trị nổi trội khu vực – Cảnh quan cây xanh mặt nước tại khu vực trung tâm lịch sử của Thủ đô Hà Nội;

– Trở thành yếu tố để chủ đầu tư cân nhắc xây dựng trong khu vực, góp phần giảm tải việc xây dựng trong khu vực trung tâm, từng bước góp phần giảm tải giao thông vào nội đô, giảm ùn tắc;

Một số đề xuất kiểm soát phát triển

1.Nguyên tắc và giải pháp bảo vệ cảnh quan

  • Gìn giữ hình thái, cảnh quan cây xanh: Theo tiêu chí chọn lựa cây thân gỗ, sống lâu năm, sức sống cao, tán đẹp và hinh khối rõ ràng, cây có hoa và hương thơm, màu sắc lá, để cảnh sắc xung quanh hồ quanh năm sắc màu… tạo ra sự quyến rũ;
  • Phát triển kinh tế khu vực: Kết hợp hài hòa giữa gìn giữ môi trường cảnh quan, giá trị văn hóa, cảnh quan, không gian xanh đô thị với việc phát huy giá trị kinh tế góp phần gìn giữ môi trường, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Giải pháp cho phép xây dựng theo hướng sinh thái, mật độ và số tầng quy mô thấp dần về phía hồ, tăng mật độ sân vườn, cây xanh; Khu vực ưu tiên: Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng dứt điểm, đồng bộ các chức năng và hoàn chỉnh khu vực đô thị,
  • Bảo vệ, cải tạo môi trường vi khí hậu: Tiếp tục nâng cao chất lượng nước hồ; Đặc biệt giữ được cốt nước hồ ổn định để tạo cảnh quan thường xuyên cho đô thị.
  • Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, quản lý kiểm soát: Hồ là không gian mở, là không gian công cộng, không gian giao tiếp của cộng đồng vì vậy cộng đồng tham gia cũng phải có trách nhiệm trong việc gin giữ cư xử ứng xử văn hóa đặc biệt là tại các khu vực trung tâm lịch sử thì mới tạo nên dấu ấn về văn hóa quyết định giữ được tính cách của người Hà Nội. Các dịch vụ tiện ích như vệ sinh, wifi, hệ thống thu gom rác thải, ghế nghỉ chân… cũng cần được tăng cường, xã hội hóa trong đầu tư cũng như quản lý, kiểm soát khai thác sử dụng. Các công viên có hồ nước nên nghiên cứu phá bỏ được tường rào như cách làm của thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tạo nên một không gian tự nhiên và lan tỏa từ không gian đường phố vào không gian cảnh quan khu vực hồ nước và cộng đồng dân cư cũng chính là những người tham gia sinh hoạt và bảo vệ các không gian mặt nước này.

2.Kiểm soát chức năng công trình – Kiểm soát sự biến đổi về hình thái không gian kiến trúc

  • Đối với các hồ trong khu vực nội đô lịch sử: Các vị trí này là đầu mối của các tuyến đường giao thông nên cần giảm tải tối đa các chức năng chất tải hạ tầng xã hội, kỹ thuật như nhà ở cao tầng, văn phòng trụ sở, bao gồm không gian bao quanh mặt nước để có sự đồng bộ kết nối.

  • Đối với các hồ điều hòa trong khu ở: Đảm bảo việc điều tiết nước và giá trị cảnh quan, cải thiện vi khí hậu khu vực. Khi quy hoạch xây dựng cải tạo các tập thể cũ thì hình dáng các hồ này sẽ được nghiên cứu có công suất, hình dáng không gian thích ứng với hình thái, các chỉ tiêu chung của toàn bộ đồ án.

Cùng với hệ thống sông ngòi, hồ nước trở thành yếu tố đặc thù của Hà Nội với những giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử cũng như cấp độ, tính chất, chức năng trong quy hoạch và góp phần trở thành các không gian mở công cộng khu vực trung tâm, giao tiếp cộng đồng tạo nên sự quyến rũ, thu hút du khách. Yếu tố đặc thù này cần được bảo vệ gìn giữ để phát huy giá trị để hướng tới việc xây dựng một Thủ đô Hà Nội “Xanh – Sạch – Đẹp”.

ThS. KTS Nguyễn Phú Đức
© tạp chí kiến trúc