Sau 5 năm tổ chức, “Đường hoa Nguyễn Huệ” đã thực sự trở thành một biểu trưng Mùa Xuân TP Hồ Chí Minh bởi giá trị nghệ thuật và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó. Giờ đây “Đường hoa Nguyễn Huệ” đã trở thành niềm tự hào và là tài sản chung của nhân dân thành phố, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, văn minh.
Với chủ đề rõ ràng, kịch bản chặt chẽ, tổ chức chu đáo, những ý tưởng sáng tạo đã làm cho dự án nghệ thuật này có sức sống mạnh mẽ. Con đường hoa được thực hiện trên chiều dài 900m đường Nguyễn Huệ, trưng bày vô số tiểu cảnh và tác phẩm trang trí, sử dụng 160.000 chậu hoa với hàng trăm loại hoa cùng lực lượng 250 họa sĩ, nghệ nhân và công nhân lành nghề đã thu hút hơn 1 triệu lượt người tham quan, thưởng lãm từ 28 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Cho đến nay, có thể nói đây là dự án Nghệ thuật công cộng quy mô và thành công nhất tại Việt Nam. “Đường hoa Nguyễn Huệ” đã biến đổi cảnh quan trung tâm thành khu vườn đầy mầu sắc và ngập tràn không khí lễ hội. Một điều dễ nhận thấy là thái độ lịch sự, trân trọng của tất cả mọi người đến du xuân, ở đây hầu như không xẩy ra những việc lộn xộn,”ngắt hoa bẻ cành” – đó là minh chứng rõ ràng cho giá trị cảm hóa và nâng cao ý thức của người dân.
“Đường hoa Nguyễn Huệ” đã gửi đến du khách một hình ảnh rõ ràng về các giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc của người dân TP Hồ Chí Minh, đó cũng là bản thông điệp, là lời nhắn gửi của Lãnh đạo với nhân dân Thành phố về nhiệm vụ, xu hướng phát triển trong năm mới. Dự án nghệ thuật công cộng này còn là công cụ quảng bá hữu hiệu một thành phố phát triển, năng động, giàu sức sống, thu hút du khách, giúp ngành du lịch, dịch vụ phát triển và tăng nguồn thu cho Thành phố. Giờ đây “Đường hoa Nguyễn Huệ” đã trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách cũng như người dân TP trong những ngày xuân.
Với số lượng 1 triệu lượt khách tham quan trong 5 ngày Tết 2009 và còn tăng trong năm nay đã làm cho “Đường hoa Nguyễn Huệ” có dấu hiệu quá tải. Việc mở rộng không gian trưng bày sang hai bên lề đường là cần phải tính đến cho những năm sau khi đó rất cần một thiết kế tổng thể để có khung cảnh thống nhất và hài hòa. Để “Đường hoa Nguyễn Huệ” thực sự là thương hiệu, là tài sản có giá trị của Thành phố cần nâng lễ hội này lên thành một festival quốc tế và mở rộng xã hội hóa không chỉ để tiết kiệm kinh phí nhà nước, mà còn thu hút thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mang lại sự phong phú cho các chương trình.
Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2010 có chủ đề “Xuân Bình Minh” – Bình Minh là khi ánh dương ló rạng báo hiệu một ngày mới, đó cũng là thể hiện những tín hiệu lạc quan của kinh tế – xã hội Thành phố sau giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009. Các phân đoạn trang trí trong đường hoa chuyển tải chủ đề Bình Minh gồm: Vầng Thái dương, Xuân Yêu thương, Bình minh tụ hội, Sức mạnh Đoàn kết, Góc Quê hương và Hướng về Thăng Long.
Canh Dần năm nay hình ảnh con Hổ – Linh vật của năm được tôn vinh với nhiều dáng vẻ từ tôn nghiêm đến ngộ nghĩnh vui vẻ. Hình ảnh những vị chúa tể rừng xanh với sức mạnh uy dũng bên cạnh sự lộng lẫy, kiêu sa của hoa, của ánh sáng sắc màu lung linh và những dòng người rộn rã chơi Xuân, như một hình ảnh tương phản độc đáo của thành phố trong ngày Tết. Là một Thành phố trẻ, hiện đại, tưởng như cuộc sống hối hả và các dòng văn hoá phương Tây sẽ làm cho người Thành phố không còn để ý tới những gì thuộc về truyền thống, nhưng Đường hoa Nguyễn Huệ năm nào cũng dành một phân đoạn tạo dựng một cảnh đồng quê Việt Nam rất sống động không chỉ thu hút sự hiếu kỳ của lớp trẻ thành phố, của du khách phương xa, mà “góc đồng quê” ấy như một mảnh hồn ký ức của những người thành phố lớn tuổi, như được phút chốc trở lại nơi dòng sông quê, một khoảnh khắc đầy ý nghĩa khi Xuân về. Năm nay bên cạnh hình ảnh quen thuộc đó sẽ là Tây Nguyên và Tây Bắc qua hình ảnh những chiếc gùi hoa , ống cơm lam, cọn nước … Tất cả sẽ mang đến cho du khách một hình ảnh rộng lớn và đầy đủ hơn về mùa xuân trên mọi miền Tổ quốc. Một trong những đề tài quan trọng nhất của “Đường hoa Nguyễn Huệ” năm nay là phân đoạn Hướng về Thăng Long để hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và cũng thể hiện tấm lòng của người dân Nam bộ như câu thơ hào sảng của Huỳnh văn Nghệ – “Từ thủa mang gươm đi mở nước, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long !”
Hs Bùi Chí Công