Không gian công cộng trong các khu đô thị

Trong điều kiện hiện nay, môi trường ở tại các đô thị của nước ta đang rất thiếu những không gian công cộng (trong và ngoài nhà). Bài viết đề cập đến việc tổ chức và khai thác tốt những không gian vốn dĩ đang rất hiếm hoi này, nhằm nâng cao chất l­ượng cho cuộc sống của cư dân

Dự án thành phố Times City – số 458 Minh Khai – Hà Nội

Thực trạng môi trường ở
Trong các đô thị, đặc biệt là trong các đô thị lớn, nhà ở chỉ như là một thành phần trong hệ thống không gian cần thiết cho cư dân, nó là “cái tôi- tư hữu” trong “cái chung” của cuộc sống cộng đồng. Còn các không gian công cộng (trong nhà hay ngoài trời) mới thực sự đóng vai trò quan trọng hơn trong sinh hoạt cộng đồng và hành vi ứng xử của cư dân. Những không gian giữa các công trình – một loại không gian tất yếu, có rất nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng trong tổ hợp kiến trúc và tổ chức không gian đô thị, cũng như trong cuộc sống hàng ngày của cư dân đô thị.  Trong các không gian công cộng đó, con người thực hiện được nhiều hơn những nhu cầu sống của mình: giao tiếp, kết bạn, học hỏi, vui chơi – giải trí,…
Cuộc sống trong đô thị đòi hỏi rất nhiều loại không gian khác nhau. Hệ thống không gian này đư­­ợc tạo bởi 3 thành phần cơ bản:
● Không gian cần thiết cho các mục đích khác nhau của gia đình (ăn, ngủ, làm việc học tập, giải trí,…);
● Không gian chung, dành cho gặp gỡ giao l­­ưu, các hoạt động theo sở thích riêng và những không gian ch­ung khác nh­­ư kho tàng, chỗ giữ các phương tiện giao thông,…;
● Không gian công cộng cho mọi c­­ư dân đô thị.

Bố trí các chức năng công cộng trong cấu trúc không gian của nhà ở

Trong các xã hội khác nhau, những thành phần này và mối quan hệ giữa chúng có thể thay đổi tùy theo điều kiện tự nhiên – khí hậu và trình độ phát triển của xã hội đó,… Các nghiên cứu về tiêu chuẩn và thực tế xây dựng ở nhiều nước cho thấy nh­ững thành phần này ngày càng đư­­ợc mở rộng. Trong chung cư nhiều tầng hiện đại, thường một phần hoặc toàn bộ tầng 1, 2, 3 đ­ược sử dụng cho các dịch vụ công cộng. Ngoài ra còn có các không gian làm chỗ vui chơi, câu lạc bộ, thư­ viện,…ở trên các tầng, hay trong các nhóm tầng khác nhau, hoặc trên sân thư­ợng – mái nhà…
Như­­ vậy, việc đ­­ưa  những công trình công cộng xích lại gần chỗ ở là một nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống hàng ngày của cư dân đô thị, làm cho con người hoà nhập tốt hơn với cộng đồng,… Xu hư­­ớng này đang rất phổ biến hiện nay trên khắp thế giới. Còn ở nước ta, do điều kiện khí hậu nóng ẩm nên trong các thành phố (đặc biệt là trong các thành phố lớn), có rất nhiều hoạt động của cuộc sống hằng ngày diễn ra ở những không gian công cộng như đã nói ở phần trên, nhưng thật đáng tiếc, trong các đô thị của nước ta các thành phần sinh hoạt tiện nghi nằm ngoài căn hộ này vừa thiếu về số lượng, vừa kém về chất lượng và còn xa mới đáp ứng đ­­ược nhu cầu của cư dân,…Ví dụ những không gian trống trong các những khu phố và đặc biệt là trong các khu chung cư (trừ các điểm vui chơi – giải trí, dạy thêm – học thêm,…) vào các buổi tối (từ 19h trở đi), do các yếu tố tiêu cực trong xã hội, thì hầu như rất ít người lương thiện dám dạo chơi trong các không gian công cộng này! Hơn thế nữa, trong “con mắt” của số đông các nhà thiết kế và quản lý đô thị thì các không gian trống này chỉ giống như một loại “cha chung không ai khóc”, vì vậy các loại không gian này thường bị chiếm dụng trái phép hay để hoang phế,…

Các dịch vụ tiện ích dành cho dân cư sinh sống tại khu đô thị

Các nhà quy hoạch và kiến trúc trên thế giới đã chỉ ra rằng: lối sống ích kỷ, ít quan tâm lẫn nhau thường xuất hiện trong những khu dân cư đô thị hiện đại. Hiện tượng này tương đối phổ biến trong các khu chung cư nhiều tầng được xây dựng trước đây, nguyên nhân chính là do thiếu không gian giao tiếp. Ngày nay, trong các khu chung cư cao tầng cũng như trong các khu nhà ở thấp tầng, người ta thường tạo ra các không gian công cộng có đặc thù riêng, dành cho các hoạt động cộng đồng. Trong các khu nhà ở thấp tầng, họ thường tạo ra vườn cảnh trong từng nhóm nhà ở. Còn trong các chung cư nhiều tầng, các nhà thiết kế thường đưa các công trình công cộng vào trong cấu trúc không gian của chúng ở trong từng tầng, hay dành cho từng nhóm tầng.
Ngoài ra, người ta còn khai thác triệt để mái nhà như là không gian trồng cây để làm “xanh – sạch – đẹp” thành phố và là nơi để tổ chức các loại không gian công cộng như: quán café, các câu lạc bộ, nơi giao tiếp – nghỉ ngơi – vui chơi của người ở,…Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới khi cải tạo các khu phố cũ, người ta cũng thường biến mái nhà thành những không gian vui chơi – giải trí, trồng cây xanh,…có mái kính hay mái mica. Điều này đặc biệt có lợi cho những người già về hưu, trẻ em tuổi học đường và người tàn tật không có điều kiện đi “chơi” xa so với nơi cư trú. Như chúng ta đã biết, nhu cầu giao tiếp của những lớp người như vừa kể trên rất lớn, đặc biệt là trong thời gian làm việc của công chức và mái nhà là chỗ thuận tiện nhất cho họ. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào quan niệm và chất lượng “thiết kế mái” nữa mà thôi! Ngoài mục đích tạo môi trường tốt cho chỗ vui chơi giao tiếp còn giúp cho việc giáo dục tình yêu đối với thiên nhiên và cải thiện điều kiện sinh thái ở đô thị. Và điều này đặc biệt quan trọng đối với những khu phố ở xa các khu vui chơi – giải trí. Xét trên phương diện này thì việc “xanh hoá” mái nhà thật sự có ý nghĩa trong điều kiện của Việt Nam, vì chúng ta rất thiếu những không gian dành cho vui chơi – giải trí trong các khu dân cư.


Kết quả của các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khi xây dựng nhà cao hơn 9 tầng thì nên bố trí một số cửa hàng và nhữ­ng không gian công cộng khác ngay trong cấu trúc của nó, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân tại chỗ. Nhà càng cao thì những thành phần này càng phải đa dạng [2, 4]. Phân tích những công trình điển hình trong và ngoài n­ước, cũng như­­ những kết quả nghiên cứu lý thuyết cho thấy rằng: việc đ­­ưa những không gian công cộng vào trong cấu trúc nhà ở làm thay đổi cách giải quyết kiến trúc chung cư nhiều tầng, tác động đến tâm lý của ngư­­ời ở và cả nhữ­ng vấn đề kinh tế xây dựng nữa. Hiệu quả của việc xây dựng loại nhà này là sử dụng một cách kinh tế quỹ đất quý giá cũng như­­ cơ sở hạ tầng đô thị. Về mặt đô thị, những loại nhà ở cao tầng có các chức năng công cộng trong cấu trúc không gian tạo đư­ợc sự bề thế và mối quan hệ tốt hơn giữa hai chức năng chính của đô thị là không gian ở và không gian dành cho dịch vụ công cộng, tức là đóng góp tốt hơn vào việc bảo đảm môi trường ở được tiện nghi hơn. Việc đ­­ưa những “thành phần” công cộng cũng như­­ việc hoàn thiện nó có thể làm giảm cảm giác cách biệt với thiên nhiên khi sống trên các tầng cao. Mặt khác, giải pháp này cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường: cư dân ít di chuyển xa đến các công trình công cộng ngoài nhà ở nên sự phát khí thải do các phương tiện giao thông cá nhân sẽ ít đi.

Bố trí các không gian xanh trên mái tòa nhà

Một số đề xuất và kiến nghị
Trong cuộc sống đô thị, cư dân có nhu cầu nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng nhờ những hoạt động tích cực ở những nơi có không khí trong lành (trong thiên nhiên). Để thực hiện đ­ược những hoạt động ở ngoài trời cần có điều kiện vệ sinh môi trường và sinh quyển tốt hơn, điều này phụ thuộc vào tính chất xây dựng của khu phố. Việc tăng mật độ xây dựng và số tầng nhà làm ảnh h­­ưởng không tốt đến điều kiện thông gió và chiếu sáng cho những không gian trống giữa các tòa nhà. Thêm vào đó, nếu bố trí chỗ vui chơi – nghỉ ngơi của trẻ em và ng­­ười lớn ở đây thì sẽ rất bất tiện cho những căn hộ tại tầng 1 của các nhà liền kề với những không gian công cộng này. Để tránh điều đó, có thể chia khu ở thành các phần cơ bản: phần dành để ở và phần cho những hoạt động chung. Nếu phân chia được như­ vậy thì có thể dùng tất cả những biện pháp hữu hiệu nhất để tổ chức và hoàn thiện môi trường trong những không gian công cộng này: tạo nên địa hình giả, hồ nư­­ớc, trồng cây xanh theo một chủ đề quy hoạch nào đó;… khai thác những yếu tố cảnh quan đặc thù sẵn có để tạo nên “thiên nhiên” tốt hơn. Điều đó không chỉ là nhân tố quan trọng để tạo ra những điều kiện tốt cho các không gian công cộng phù hợp với từng lứa tuổi của cư­­ dân tại chỗ, mà còn để tạo ra môi trường mang cá tính và đậm đà tính nhân văn và thẩm mỹ. Nếu làm tốt những điều đó thì chắc chắn  không gian công cộng trong các khu dân cư sẽ giúp nhiều cho sự phát triển cá tính (đặc biệt là trẻ em), giáo dục tình yêu lao động, tôn trọng những “tài sản” có sẵn tại nơi cư trú và tình yêu đối với nơi họ sinh sống. Mục đích quan trọng nhất khi tổ chức các khu đô thị là tạo ra những điều kiện để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư nói chung của từng cá nhân nói riêng. Vì thế cần tận dụng các đặc thù của cảnh quan chung quanh và bảo tồn – tôn tạo chúng, đưa những thành phần cơ bản của thiên nhiên như­­ mặt nước, cây xanh, địa hình giả,…vào trong cơ cấu không gian của khu dân cư. Để có thể thay đổi mức tiện nghi và vi khí hậu của môi trường ở, đòi hỏi phải có diện tích trống đủ lớn. Những nghiên cứu mới nhất đều cho rằng: cần phải có công viên cho từng khu ở như được thể hiện trên.


Ngoài ra, để tăng tính tiện nghi và tính thẩm mỹ cho môi trường ở, thì rất cần phải trang bị những tiện ích đô thị và nghệ thuật công cộng (nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn,…).
Để tạo ra điều kiện sống hợp lý cho cư­­ dân đô thị, cần nghiên cứu kỹ các thành phần sinh hoạt tiện nghi ngoài căn hộ, cũng như­­ việc bố trí chúng một cách hợp lý trong cơ cấu quy hoạch của khu ở nói chung, hoặc trong cơ cấu của mỗi chung cư­­ nói riêng. Trong điều kiện n­ước ta, nhất thiết phải hoàn thiện việc tổ chức và khai thác tốt những thành phần vốn dĩ đang rất hiếm hoi này nhằm nâng cao chất l­ượng phục vụ cho cuộc sống của cư dân. Trong hình 3 là đề xuất việc bố trí các thành phần sinh hoạt tiện nghi ngoài căn hộ theo từng chức năng riêng trong cấu trúc không gian chung cư nhiều tầng.

Kết Luận
 Những giải pháp vừa nêu trên đây như tạo các vườn cảnh hay các “công trình” công cộng trong cấu trúc không gian của khu ở nói chung, trong mỗi nhà ở nói riêng, vừa đóng vai trò cải thiện điều kiện sinh thái trong khu nhà ở, vừa là chỗđể dân cư tại chỗ gặp gỡ, trao dổi, kết bạn….Từ đó, tạo nên mối quan hệ láng giềng thân thiết và gần gũi trong cộng đồng dân cư đô thị./.

ThS.KTS Trần Trung Hiếu