TP. Hồ Chí Minh: Vấn đề bảo tồn di sản Kiến trúc trong tiến trình phát triển

Mỗi thành phố của một đất nước là một môi trường văn hóa cho một cộng đồng chủ thể văn hóa sống trong đó. Môi trường này gồm toàn bộ những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể mà trong tiến trình lịch sử tồn tại cộng đồng dân cư đã tạo ra, đã hoàn thiện qua sử dụng, đã tu bổ và gìn giữ, trong đó chứa đựng tất cả vốn gen văn hóa quý báu tích lũy được và nhờ đó mà cộng đồng đã tồn tại và phát triển như một hệ thống văn hóa – xã hội. Những sản phẩm văn hóa này có thứ đã trở thành di sản, có thứ đang tiến hóa để thích ứng với cuộc sống biến đổi, có thứ mới ra đời – đang trải nghiệm thử thách để hình thành và phát triển. Trong hoạt động sống để thỏa mãn nhu cầu của mỗi người và của cả cộng đồng, các chủ thể văn hóa phải tương tác với nhau và với hệ thống văn hóa – xã hội thông qua tác động của môi trường văn hóa lên mỗi người, vào vùng ý thức của họ – hình thành những hiểu biết và những tình cảm mà lâu dần sẽ tích tụ lắng đọng, biến thành những liên kết văn hóa gắn kết họ với nhau, với thành phố, với đất nước. Và, chính hệ thống các mối liên kết văn hóa này tạo nên sức mạnh của cộng đồng, giúp bảo vệ bản sắc văn hóa trước mọi xâm thực của các văn hóa ngoại lai. Các liên kết văn hóa – như tiếng mẹ đẻ, tín ngưỡng, truyền thống, phong tục, tập quán, tình đồng bào, tình quê  hương, lòng yêu nước…, có sức sống cực kì mãnh liệt, bền bỉ, đến mức chúng vẫn nằm trong vô thức lẫn ý thức của những người đã rời nơi chôn nhau cắt rốn đến xứ sở khác sống, vẫn nối kết họ với quê hương, với nhau và còn bắt rễ sang con cháu, khiến họ luôn sống trong hoài niệm, khát khao được sống lại trong những kỉ niệm xưa ở môi trường văn hóa gốc của mình, thậm chí còn muốn những năm tháng cuối đời được trở về yên nghỉ tại quê nhà.
 Hiện trạng khuôn viên chùa cổ Giác Viên
Cũng như môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa mà di sản văn hóa là một bộ phận, chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững nếu cộng đồng biết gìn giữ trân trọng, và không ngừng sáng tạo để tiếp tục làm giàu vốn gen văn hóa của nó. Là những thành tố tạo nên cơ sở vật chất của những liên kết văn hóa, di sản văn hóa, trong đó có di sản kiến trúc, cho biết cội nguồn và lịch sử của cộng đồng qua những thông tin mã hóa chứa trong các gen văn hóa của chúng, nhờ đó họ và con cháu sau này biết mình vốn là ai và vốn là như thế nào, biết được “chiều sâu văn hóa” của TP để trân trọng và giữ gìn.
Với hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh (TP) khá trẻ, dù trải bao thăng trầm vẫn luôn tạo được môi trường văn hóa hấp dẫn khiến nó tăng trưởng không ngừng thành đô thị cực lớn với 10 triệu dân hiện nay. Nhưng những biến động lịch sử cùng sự tăng trưởng nhanh của TP đã làm môi trường văn hóa của nó biến đổi chóng mặt; vô số cái mới – đẹp có xấu có, liên tiếp ra đời chiếm chỗ, thay thế cái cũ làm cho vốn di sản văn hóa, đặc biệt là di sản kiến trúc, luôn có nguy cơ bị mất đi nhiều thứ quý giá khiến sự đóng góp của nó cho sự phát triển của TP bị hạn chế đáng kể. Chẳng hạn, trong quá khứ phần “đô” trên đất Sài Gòn bị xóa mất: Ban đầu phủ Gia Định có lũy Hoa Phong nay đã biến mất vì năm tháng bào mòn, rồi lũy Bán Bích cũng bị tháo dỡ dần thời Pháp thuộc; tiếp đó là thành Quy xây kiểu Vaurban phương Tây với hình Bát Quái theo Dịch học phương Đông bị triệt hạ vì cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi; thành Phụng xây thay thế cũng bị Pháp phá khi đánh Gia Định… Phần “thị” của Sài Gòn cũng biến đổi diện mạo không ngừng. Sài Gòn từng có những phố thị cổ nằm dọc trên sông, kênh, rạch tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền mà nay không còn nữa. Chợ Bến Thành có nghĩa là chợ mà dưới sông là bến, bên trên là thành, nay tên còn đó mà cả bến lẫn thành đã không còn. Từ 1867, những ngôi nhà kiểu châu Âu bằng sắt, xi măng, gạch, ngói thay dần những nhà bản xứ bằng ván, tre, lá ở khu trung tâm; nhiều đoạn kênh bị san lấp để tạo lập các đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Pasteur; ra đời đường sắt Sài Gòn – Chợ Lớn dọc rạch Bến Nghé, rồi tuyến Sài Gòn – Đa Kao – Gia định -Gò Vấp – Hóc Môn, ban đầu chạy tàu ngựa kéo, rồi đầu tàu hơi nước, cuối cùng là tàu điện mà nay cũng không còn nữa… Từ 55 đường phố (dài 25 km) vào năm 1883, đến 1945 Sài Gòn – Chợ Lớn đã có tới 344 đường phố (dài 260 km) vào loại hiện đại ở châu Á, xứng với tên “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong 30 năm tiếp theo với 2 cuộc chiến tranh kiến trúc, Sài Gòn thay đổi sâu sắc: ra đời hàng loạt công trình lớn theo trào lưu hiện đại quốc tế cùng với những khu ở lụp xụp của những nông dân chạy nạn chiến tranh. 
 Nhà cổ trơ trọi (đường Triệu Quang Phục, Q.5, HCM)
Trong di sản kiến trúc của TP hiện nay, có thể kể đến Kiến trúc truyền thống Việt, Kiến trúc của người Hoa, Kiến trúc của người Ấn, Chăm, Khmer, Kiến trúc phong cách châu Âu của người Pháp và Kiến trúc đương đại giai đoạn 1954 – 1975. Những kiến trúc này mang dấu ấn những phong cách riêng, tiêu biểu của thời kì chúng ra đời, biểu hiện nghệ thuật kiến trúc, trình độ thiết kế, chất liệu và kĩ thuật xây dựng ở thời đại vàng son của chúng, và cả quan niệm về quan hệ giữa kiến trúc và cảnh quan của những chủ thể văn hóa đã tạo ra chúng. Từ khi “Đổi mới” đến nay, kiến trúc mới thiếu quy hoạch phát triển ồ ạt, lấn át, thôn tính và đối chọi với kiến trúc cổ, cũ khiến tính quần thể và cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ, di sản kiến trúc bị mất mát, biến dạng.
 Dãy Nhà cổ đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, HCM)
Chẳng hạn, nay chỉ còn lại 10 ngôi nhà dân gian truyền thống, tuổi đời trên 100 năm với những đặc trưng cổ như 3 gian 2 chái, chữ đinh hay thảo bạt, mái ngói âm dương, đầu ngói tráng men xanh, kết cấu chồng rường xuyên trính, trang trí họa tiết gỗ chạm lộng, hoành phi câu đối khảm xà cừ…; một số trong đó chịu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây với ban công, vòm cuốn, mô típ trang trí hình con tiện…  Nhưng tất cả chúng đều bị xuống cấp trầm trọng, sửa chữa chắp vá không còn “đồng bộ cổ”, không còn nằm trong cảnh quan vốn có với vườn tược ao hồ rộng thoáng xung quanh, hơn nữa có nguy cơ bị chủ nhà đập bỏ để xây mới phục vụ mưu sinh. Những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ được xếp hạng như các chùa Gò (Phụng Sơn), Giác lâm, Giác viên, các Đình Bình Tiên, Nam Chơn, Lăng Ông, Đền thờ Trần Hưng Đạo… vừa mang dáng dấp cung đình Việt, vừa đậm tính dân dã của nhà ở, am miếu địa phương; nhiều nơi trong số đó lại đang lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật cổ quý giá như chùa Giác Lâm (xây năm 1744) hiện giữ 19 bức hoành phi, 86 câu đối, 113 pho tượng cổ chế tác đầu TK 18 và nhiều bàn thờ, đồ thờ cổ. Những di tích này phần lớn rơi vào tình trạng hư hại trầm trọng mà không thể tu bổ do bị dân lấn chiếm đất làm nơi ở, buôn bán, tập kết rác, xà bần…-  như chùa Gò bị 132 hộ dân lấn chiếm, nhiều năm chưa giải tỏa được, hàng trăm mét vuông khuôn viên chùa Giác Lâm bị chiếm hoặc mượn không trả, nhiều công trình bị bỏ hoang hoặc sắp sụp như Đình An Phú, Cây Sộp, Chùa Giác Viên. TP nay chỉ còn khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông (phong cách kiến trúc Hoa) và vài kiến trúc cổ nằm lạc lõng trong không gian cảnh quan hoàn toàn xa lạ ở những phố mà xưa vốn là phố cổ; những khu phố Tây ở quận 1, quận 3 bị phá nhiều nơi, xây chen vào đó những kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại cao tầng – như những cây lúa von lỗ chỗ giữa thảm lúa cao đều. Một số công trình kiến trúc mới bản thân có thể là đẹp, nhưng kích cỡ, kiểu dáng và ngôn ngữ kiến trúc không phù hợp hoặc hài hòa với các công trình đang tồn tại xung quanh, đã không bổ sung mà thậm chí còn làm nhiễu loạn không gian kiến trúc cảnh quan đã hình thành lâu nay.  
Nguyên nhân của thực trạng trên nằm ở sự yếu kém của quy hoạch đô thị, quản lí xây dựng và của công tác quản lí di sản trước sức tấn công của làn sóng xây dựng không phép (do bức bách về nhu cầu cư trú và làm ăn của người dân) và của “sức mạnh tài chính thô bạo” từ một số nhóm lợi ích. Mặt khác, dường như mấy chục năm qua trong giới KTS và giới quản lí đô thị của TP chưa hình thành quan niệm thống nhất về không gian kiến trúc đô thị hiện đại cho TP sông nước này. Không loại trừ ảnh hưởng từ quan niệm của một số người cho rằng bảo tồn di tích kiến trúc và cảnh quan kiến trúc đô thị như chơi đồ cổ, rất tốn kém và quá sức đối với nước nghèo như ta.
Xin mượn 2 khuyến cáo của Hội nghị quốc tế về kiến trúc ở Hawai (Hoa Kỳ) tháng 3/1995 và ở Bali (Indonesia) tháng 7/1995 để kết luận: “Việc phát triển đô thị cần phải gắn kết với việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, điều này không những có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn mang lại hiệu quả cao về kinh tế du lịch”;
“Bảo tồn không là gánh nặng kinh tế cho Nhà nước, mà ngược lại, nhờ vào đó nền kinh tế của thành phố sẽ thành công, lâu dài và bền vững hơn nếu các kế hoạch phát động được soạn thảo thực tế, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của khu vực tư nhân”.  
 
TS. Nguyễn Thế Cường -TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
 Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh