Nếu coi nhà gỗ truyền thống (NGTT) là kiến trúc “cổ điển” của Viêt Nam thì Nhà rường 0X được như kiến trúc “tân cổ điển”. Nhà rường 0X là gì? – Thực ra, Bảo Chương năm 2008 đã gọi là Nhà rường Huế “thế hệ 0x”, tức là nhà rường xuất hiện sau năm 2000 [theo nghiên cứu của tác giả, Nhà rường OX gồm: Nhà gỗ truyền thống tái lắp dựng (NGTTTLD) và Nhà ở truyền thống xây mới (NGTTXM). NGTTTLD: Là NGTT đã bị tháo gỡ, rồi được đưa đến lắp dựng lại ở một địa điểm khác. NGTTXM: Là nhà gỗ được xây dựng từ sau năm 2000 theo kiểu NGTT.
Nhà gỗ truyền thống ở Huế
Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm ở miền Trung của Việt Nam, được biết đến là kinh đô của Triều đại Nhà Nguyễn (1802 -1945). Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1993.
Huế còn được biết đến bởi NGTT đặc trưng – nhà rường nằm trong tổng thể một khu vườn – gọi là Nhà vườn Huế. Tại thời điểm xuất hiện và phổ biến, hầu hết kiến trúc cung điện, đền, đình, chùa và nhà ở đều được xây dựng theo NGTT, với hệ thước nách và liên kết mộng được kê trên đá tảng, có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng.
Nhà rường Huế thường có năm gian, gồm ba gian chính và hai gian phụ thường được gọi là chái. Số gian trong nhà được phân định bằng các hàng cột. Trong ba gian nhà, người ta chỉ ở hai gian và hai chái, gian giữa thường được dùng để thờ gia tiên. Sự độc đáo và tinh túy nhất của những ngôi nhà rường Huế chính là những nét chạm trổ công phu, cầu kỳ trên hệ thống khung gỗ với nhiều chủ đề trang trí được khắc từng nét nhỏ rất tinh vi. Để tránh ảnh hưởng của mưa bão, lại không vượt quá chiều cao của cung điện theo quy định của triều đình, nhà ở Huế được làm khá thấp, mái nhà có độ dốc lớn để thoát nước mưa.
Những ngôi nhà vườn truyền thống Huế được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên, tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà rường, vườn cây… Hướng mặt tiền của căn nhà không nhất thiết phải là hướng Nam, mà nhiều khi được ấn định bằng việc xem tuổi của gia chủ.
Hiện trạng tháo gỡ, thu mua, tái lắp dựng và xây mới NGTT ở Huế
Tại Thừa Thiên-Huế, trong khi chính sách bảo tồn nhà vườn Huế chưa đi vào cuộc sống, chưa ngăn chặn được nạn “chảy máu” nhà vườn trước cơ chế thị trường, số nhà vườn tiêu biểu trong diện được hỗ trợ để trùng tu, tôn tạo ngày càng giảm.
Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học nữ Chiêu Hòa Tokyo (Nhật Bản) phối hợp tiến hành điều tra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, kết quả cho thấy số lượng nhà rường (hay còn gọi là nhà truyền thống Huế) tiếp tục suy giảm do các nguyên nhân: Thời tiết, thiên tai khắc nghiệt và thị trường nhà đất chi phối. Riêng diện tích phải đóng thuế đất đã vượt quá khả năng của nhiều hộ dân, chưa nói đến việc trùng tu. Đặc biệt, trong quá trình đô thị hóa hiện nay, đất vườn càng bị chia nhỏ để bán, chuyển nhượng làm cho nhà vườn Huế ngày càng giảm đi nhanh chóng. Nạn “chảy máu” nhà rường từ quê ra phố, nhà cổ đang trở thành mốt kinh doanh ở thành phố Huế hiện nay.
Sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản thế giới, các hoạt động bảo tồn, trung tu di tích đem lại công việc chính cho các xưởng mộc là chuyên bảo tồn, trùng tu, phục chế nhà gỗ. Các cơ quan được cấp phép bảo tồn đối với nhà cổ ngoài Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Viện Khoa học công nghệ miền Trung, những năm gần đây còn xuất hiện các công ty trách nhiệm hữu hạn như An Khang Kiến trúc cổ (nhưng đã giải thể), Công ty Cổ phần Tu bổ Tôn tạo Di tích Huế…
Các chủ cơ sở mộc cho biết, thú “chơi” nhà gỗ bắt đầu phát triển từ sau Festival Huế năm 2000. Khi đó, Ban tổ chức đã sử dụng rất nhiều bộ khung nhà rường cổ để lắp thành các gian hàng trưng bày, triển lãm. Khách thập phương đến Huế chứng kiến nhiều bộ khung nhà gỗ cổ được tháo ra tập kết trong vườn nhà hay các hợp tác xã. Nhiều ông chủ giàu có đã trực tiếp mua các khung sườn gỗ này và thuê thợ mộc về chỉnh sửa, lắp ráp lại trên khu đất mới hoặc cho xây mới nhà rường. Từ năm 2000 cho đến nay, ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng xuất hiện xu hướng xây dựng mới có sử dụng kiến trúc gỗ truyền thống, đem lại sự hồi sinh và phát triển cho các thợ mộc, xưởng mộc ngày nay. Cùng với lợi thế về nguồn tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nghề mộc mỹ nghệ và điêu khắc gỗ đang ngày càng phát triển và mở rộng quy mô.
Việc mua bán nhà gỗ cũ tạo ra môi trường kinh doanh mới đem lại lợi nhuận cao cho các thương lái này, họ được dân gian gọi là “tỉ phú nhà rường”, và NGTT được tái lắp lại trên khu đất khác và các nhà gỗ mới sau này được gọi chung là nhà rường”0X”.
Quy mô và phân bổ của NGTTTLD và NGTTXM
Qua đợt khảo sát, điều tra, vẽ ghi toàn thành phố Huế của nhóm tác giả thực hiện cuối năm 2016, có 96 NGTTTLD và NGTTXM nằm rải rác khắp thành phố, trong đó NGTTTLD và NGTTXM nằm hòa lẫn với các NGTT tại khu vực Kinh thành và Kim Long, là những vùng vốn đã có nhiều NGTT hoặc hiện diện ngay trên các khu vực có kiến trúc hiện đại, phát triển như phường Phú Hội, Thủy Xuân, Trường An. NGTTTLD và NGTTXM xuất hiện ngày càng nhiều ở bờ Nam sông Hương và các vùng ven.
Chức năng ban đầu của nhà rường là ở kết hợp thờ, nay số lượng nhà gỗ vẫn được sử dụng vào chức năng này chiếm hơn ¼ số lượng nhà khảo sát, trong khi đó công năng mới là kinh doanh nhà hàng, cafe rất phổ biến, chiếm hơn ½ số lượng nhà khảo sát. Càng xa trung tâm, về các vùng ven, nhiều NGTTTLD được sử dụng vào chức năng du lịch, nghỉ dưỡng: Resort, chùa, nhà thờ họ… Khi đó bố cục của tổ hợp công trình cũng có nhiều thay đổi. Như vậy do đặc trưng trong nội thành thành phố có nhu cầu phục vụ kinh doanh dịch vụ làm nảy sinh việc sử dụng NGTTTLD làm nhà hàng, quán café, trưng bày, buôn bán là dạng chức năng hiện đại của nhà gỗ. Hiện nay, không chỉ các khu du lịch, nhà hàng, resort cao cấp có xu hướng dựng những công trình kiến trúc gỗ đồ sộ, bằng gỗ quý mà nhiều người dân cũng có nhu cầu này.
Nếu quá trình bảo tồn diễn ra dè dặt, thận trọng thì sự xuất hiện của NGTTTLD và NGTTXM cho thấy sự thích ứng của NGTT trong bối cảnh mới một cách linh hoạt và nhanh chóng. Chủ đầu tư và người sử dụng hiện đại dễ dàng chấp nhận tính không nguyên mẫu về bố cục tổng thể hoặc sự kết hợp, khoảng cách, khoảng lùi giữa nhà gỗ và kiến trúc khác, thậm chí lắp đặt các thiêt bị hiện đại vào nhà gỗ, nhằm phát huy tối đa chức năng mới của nhà gỗ.
Như vậy NGTTTLD có thể coi là một bước chuyển mình của quá khứ, một gạch nối giữa NGTT và NGTTXM được thiết kế mới hoàn toàn.
Nhà gỗ xây mới ra đời muộn hơn nhà tái lắp, như là một kết quả tất yếu của sự phát triển của NGTT, bởi số lượng nhà gỗ cũ bị phá bỏ, bán đi đã được thu mua cạn kiệt, cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu về kiến trúc, kết cấu, trang trí,… của chủ đầu tư ngày càng đa dạng, phức tạp hơn mà nhà gỗ cũ thì có nhiều hạn chế về chiều cao, hẹp về không gian sử dụng, sự không đồng nhất do lắp ghép từ nhiều “xác” nhà cũ, hoặc nhiều người không thích dùng đồ cũ của người khác; những người theo đạo Thiên chúa thường không thích các chủ đề trang trí về Phật giáo và tư tưởng phong kiến của các nhà gỗ cũ, do quan niệm thờ cúng tổ tiên hay các điện thờ phải ở trong không gian mới mẻ, sạch sẽ, không bị ô uế… Cùng với sự dồi dào của nguyên liệu gỗ thời điểm đó, nhà gỗ mới xuất hiện ngày càng nhiều và dễ dàng, đồng thời, cũng xuất hiện ngày càng nhiều các “doanh nghiệp” chuyên cung cấp nhà gỗ mới. NGTTXM đã thỏa mãn được nhu cầu sử dụng mới và càng có nhiều chủ đầu tư chịu chi tiền để đầu tư những nhà hàng, quán ăn bằng gỗ mới to cao, bề thế hơn.
Điều dễ nhận thấy là: Những NGTTXM không bị gò bó về kinh phí xây dựng (chủ đầu tư nhà gỗ có tiềm lực về kinh tế), cùng với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật nên có nhiều máy móc thiết bị chuyên dụng hỗ trợ thi công, đồng thời thông tin liên lạc ngày càng phát triển, những thủ thuật về chế tác, chạm khắc, lắp ráp nhà gỗ không còn là bí kíp riêng của từng phường thợ, những thợ mộc ngày nay dễ dàng giao lưu, cập nhật kiến thức và có nhiều sáng tạo hơn trong các kỹ năng làm việc nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có thể nói, NGTT đã không còn bế tắc trong khoảng không gian bảo tồn chật hẹp mà đã thực sự đi vào đời sống hiện đại một cách thích ứng. Cũng nhờ đó, kỹ năng của các làng nghề mộc chuyên về lắp dựng nhà gỗ không bị mai một, bên cạnh một số phường thợ may mắn được lựa chọn vào các quá trình trung tu nhà cổ, một bộ phận không nhỏ người thợ mộc mới cũng được trải nghiệm quy trình chế tác nhà gỗ và qua đó tiếp tục đúc rút, sáng tạo nên các kỹ năng riêng để tạo ra sản phẩm vừa tốt, bền mà lại lợi công.
Điều quan tâm ở đây là người yêu thích kiến trúc gỗ truyền thống tự ý cho thiết kế, xây dựng nhà gỗ mới theo mong muốn chủ quan của mình mà chưa hiểu biết hết về đặc trưng cấu trúc, trang trí và cách sử dụng phù hợp
Bản thân nhà gỗ là một hình học vuông vức, những nhà thiết kế xưa đã đúc kết ra một số tổ hợp của nó, đó là kiểu chữ đinh, chữ khẩu,… đều là các bố cục đôi xứng theo trục, trong đó các nhà gỗ chỉ có thể đứng song song, nối tiếp hoặc vuông góc với nhau. Ngày nay, nhà gỗ đã tìm cách hài hòa với các công trình có kết cấu khác nhau để tạo nên một tổng thể chặt chẽ, trong đó có việc chấp nhận nhà gỗ không còn là bộ phận chủ đạo trong tổng thể bố cục, nhà gỗ đứng cạnh một nhà bê tông cốt thép có hai khả năng:
- Trường hợp a: Nhà gỗ có khối tích lớn hơn nhà bê tông cốt thép (BTCT), nhà BTCT đứng “sau”, sát kề nhà gỗ
- Trường hợp b,c,d: Nhà gỗ có khối tích nhỏ hơn nhà chính BTCT và giữ một khoảng cách nhất định để không bị lấn át, khoảng giữa đó thường là tiểu cảnh, hành lang.
So sánh với quy trình bảo tồn nhà cổ
Trong khi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị chính được chỉ định trùng tu các di tích bằng gỗ ở Huế tiến hành thực hiện các quy trình nghiên cứu, bảo tồn đối với một số di tích cụ thể, sau khi tiến hành các bước chuẩn bị (phân tích lịch sử, phân tích hiện trạng, phân tích ảnh tư liệu, phân tích công trình tương tự, phân tích thức kiến trúc), đưa ra hồ sơ thi công, sẽ lựa chọn một phường thợ mộc phù hợp để thi công trùng tu thì các cơ sở mộc thu mua, tháo gỡ, điều chỉnh, tân trang và bán lại nhà gỗ một cách không kiểm soát. Hoạt động này diễn ra mạnh mẽ, sôi động và không có sự phối hợp nào với các cơ quan chuyên về bảo tồn nhà gỗ. Sau khi định giá, “xác” nhà gỗ (Các bộ phận, cấu kiện bằng gỗ của NGTT) được tháo gỡ nhanh chóng trong vòng 1 đến 2 ngày, được phân loại các bộ phận còn tốt và chuyên chở về cơ sở mộc, không được ghi chép về đặc trưng cấu trúc, trang trí, xuất xứ.
Trong khi đó, quy trình bảo tồn nhà cổ đòi hỏi trước khi hạ giải công trình phải lắp dựng bao che công trình, nhà bảo quản và gia công cấu kiện, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn, chống cháy nổ, chống mưa nắng tác động là yêu cầu hàng đầu. Việc tháo dỡ phải khoa học với việc bảo vệ mọi chi tiết của công trình một cách an toàn nhất; tiến hành khảo sát đánh giá di tích đầy đủ các mặt: nguyên gốc, chân xác, chất lượng kỹ thuật, khả năng bảo tồn; chú trọng công nghệ truyền thống: vật liệu, mực thước, công cụ…khi bảo quản, gia cường, phục hồi các cấu kiện cũ; phục chế các cấu kiện đã hỏng nặng hay đã mất; tái dựng công trình; trong mọi trường hợp phải tuân thủ một số nguyên tắc sau: sai số không được lớn hơn độ lệch ban đầu; tuân thủ thiết kế nguyên thuỷ và nguyên tắc thiết kế truyền thống; đảm bảo độ chặt của lắp ghép và độ bền vững của công trình.
Trung bình xác nhà gỗ được gia công chỉnh sửa trong vòng 3 tháng; thời gian để thi công và lắp ráp một khung nhà gỗ mới hoàn toàn thì lâu gấp đôi nhà tái lắp, có khi kéo dài trong 1 năm. Thời gian từ lúc thu mua nhà gỗ cổ đến khi bán lại cũng nhanh chóng (nhanh nhất 4 tháng đến 2 năm, lâu nhất là 5 -7 năm vì “kén” giá).
Trong kỹ thuật bảo tồn, khi gỗ trong công trình đã phân huỷ thì người ta nối vá, đắp vá bằng các biện pháp “nhồi lõi tiêu tâm”, “thay cốt ốp mang”, “nối mộng đầu kèo, xà, trến”, “thay chân cột”, “thay đầu cột” hay thay mới nếu không còn khả năng cứu chữa… Trong tái lắp dựng người ta sử dụng phổ biến hai phương pháp nối cấu kiện là nối “âm dương” và “áp má” [7]. Nối âm dương thường được sử dụng để nối dài các cột để tăng chiều cao nhà và nối các kèo để nới rộng lòng gian. Áp má thường được dùng để giữ lại các kèo, đầu kèo, trến có các mảng chạm khắc đẹp nhưng phần lõi bên trong đã bị hư hỏng cần được thay thế. Việc áp dụng các biện pháp nối cấu kiện được xem là một sáng kiến của thợ mộc trong bước đầu cải tiến hạn chế của các khung gỗ cũ vừa thấp vừa hẹp. Tuy vậy, vị trí của các mối nối được bố trí theo kinh nghiệm mà không tính toán đến các đặc điểm cơ lý của gỗ, khả năng chịu tải của cấu kiện tại vị trí các mối nối đó nên chưa thể chắc chắn được độ an toàn của hệ kết cấu tái lắp. Tính toán kiểm tra kết cấu phải là yêu cầu bắt buộc trong tu bổ di tích, nhất là khi có sự nối vá cấu kiện. Trong khi đó, NGTTTLD bỏ qua các nghiên cứu về tính chất vật lý của gỗ và không quá coi trọng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nhằm giữ lại các bộ phận gỗ xuống cấp.
Kết luận và kiến nghị
Qua khảo sát tại khu vực Thành phố Huế, nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà gỗ theo kiểu NGTT xuất hiện từ năm 2000 và đến này đã phổ biến. Ngoài chức năng là nhà ở kết hợp thờ, nhà thờ họ và chùa, chức năng kinh doanh nhà hàng, café và trưng bày buôn bán bắt đầu phát triển. Đặc điểm mặt bằng tổng thể của loại nhà này thường hẹp ngang và sâu, mật độ xây dựng lớn. Vị trí của nhà gỗ tái lắp và xây mới không còn giữ vai trò chủ đạo mà tôn trọng bố cục tổng thể, tuy vậy chủ đầu tư đều cố gẳng tạo ra các khoảng lùi để có thể nhìn thấy được kiến trúc gỗ.
Cấu trúc nhà rường ba gian hai chái, năm gian hai chái và một gian hai chái được ưa chuộng nhưng cũng có nhiều cải biến như nới rộng gian, lòng gian, bớt cột để tăng diện tích xử dụng.
Quy trình hạ giải, lắp ráp nhà gỗ mới nhanh chóng, không tuân thủ các quy tắc về bảo tồn, không có ghi chép đánh giá đặc trưng để quản lý, đúc rút đặc trưng mới.
NGTTTLD có các thông số kết cấu tương đối “chụm” do được thiết kế hoàn toàn dựa trên thước thợ truyền thống. Về trang trí thì phụ thuộc vào mẫu mã của nhà gỗ cũ, đa phần trang trí ở vị trí dạ (mặt dưới) của cấu kiện, ít có trường hợp trang trí ba mặt của cấu kiện.
Ở NGTTXM, kích thước nhà gỗ lớn hơn nhiều so với NGTT, có phần lấn át tổng thể, các thông số kết cấu không “chụm”, các kích thước vừa được lấy theo thước thợ vừa được quy về hệ met, các cơ sở mộc chưa có sự giao lưu kế thừa lẫn nhau, trang trí hoa văn có hai xu hướng rõ rệt: hoặc là rất đơn giản, hoặc rất cầu kỳ trên cả ba mặt của cấu kiện.
Ths. KTS Nguyễn Quốc Thắng
Khoa Kiến trúc – Đại học Khoa học Huế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)