1. Trường học là dạng kiến trúc đặc biệt quan trọng – Cuộc đời làm nghề của một KTS, được đóng góp tinh thần của mình thiết kế một ngôi trường có lẽ là điều hạnh phúc ấm áp nhất, hơn hẳn nhiều loại công trình hoành tráng, lấp lánh vinh quang khác đã từng làm. Vì sao vậy? – Với tôi, đó là hành trình được đi về tuổi thơ, đi về những quãng đời đẹp của tuổi học trò – Những quãng đời chứa chất nhiều mơ mộng nhất của một chú bé, một cậu thiếu niên, của một thanh niên hừng hực khí thế tôi luyện để thành nhân, thành tài.
Ngoài ngôi nhà tổ ấm, mỗi cô cậu bé, thanh thiếu niên kia lớn lên và hình thành nhân cách, chắc chắn mái trường là không gian kiến trúc gắn bó lâu dài nhất.
Mỗi cô cậu bé có hoàn cảnh riêng, điều kiện vật chất riêng để có “ngôi trường để học của mình”, có khi quy củ, nề nếp, có khi đơn sơ, thanh bần – Nhưng chắc chắn sự chênh lệch về chuẩn vật chất không phải là điều tiên quyết tác động tới “không khí sư phạm” của ngôi trường. Càng không phải tiên quyết để vẽ lên một bức tranh “nhân cách” vào tâm hồn trẻ thơ của những con người thành đạt sau này. Bằng chứng là sẽ không khó kể tên những “gương thành nhân” của nhiều tài năng đất nước, bất kể thời đại, đã từng trải qua những ngôi trường đơn sơ, thiếu thốn đến mức nào! Thậm chí, hình ảnh những ngôi trường như vậy còn tạo phấn khích, đầy hào khí cho cả những lớp học trò khác, ở thời đại khác.
Với tôi, điều đó rõ mồn một khi tôi lần đầu tiên được xem phim tài liệu “đường vào đại học” trong bối cảnh các trường học sơ tán thời kỳ chiến tranh ác liệt ở miền Bắc. Hình ảnh làm tôi phấn khích mãi là trường đoạn một nhóm thầy trò chật vật chuyển tay cây đàn piano của Nhạc viện vào lòng hang đá mấp mô, trong tranh sáng tranh tối của bộ phim tài liệu trắng đen. Ngay lòng hang trở thành phòng học nhạc trong hoàn cảnh ấy, vẫn ngồn ngộn không khí sư phạm đó thôi…
2. Không khí sư phạm trong kiến trúc trường học – Là giá trị tiềm ẩn quan trọng nhất của ngôi trường, dù là cấp học nào. Và, thành công của KTS khi thiết kế một ngôi trường phải chăng là tìm tòi, sáng tạo và dồn nén giá trị ấy vào trong “ngôi trường – tác phẩm” của mình. Nó là gì vậy? – Tôi không thể chỉ ra một cách rõ ràng, nhưng có thể trình bày một số kinh nghiệm, xúc cảm về nó. Làm sao nói tuổi vỡ lòng của tôi là bất hạnh hay nhiều may mắn khi được học trong nhà việc của ngôi đình làng ở quê, gió và tiếng chim hót hòa vào không khí im phăng phắc, cặm cụi của những mái đầu niễng mình, gò người tập viết? Là bất hạnh hay may mắn khi ngồi học trên sân khấu một nhà hát bỏ hoang, nhìn thầy giáo thần tượng của mình ngồi một góc sáng trưng ánh sáng chiếu ngang, chiếc bàn thô sơ nhưng có tấm trải bàn hẳn hoi, có hẳn bình hoa tươi mới hái trên đường “tới trường”?. Quan trọng nhất, trong khung cảnh mộc mạc của “lớp” như vậy, Thầy giáo với áo dài tay “măng-sét”, bỏ trong quần tinh tươm, đi giày đen láng, như càng thắp sáng lên hình ảnh tương lai trong tưởng tượng của những chú bé con ngồi lớp vỡ lòng. Với tôi, đó là may mắn, vì cho tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn tự hào, vẫn cảm ơn những xúc cảm “học đường” đó của một thời tuổi thơ. Và với một KTS 40 năm hành nghề, tôi vẫn cảm nhận không gian đó vẫn hiện diện không khí sư phạm “trong mái trường” đơn sơ của tuổi thơ. Dĩ nhiên, tôi không cám ơn được người KTS nào trong “trường lớp” này.
Bất giác, tôi thấy tiếc cho một số ngôi trường ven quốc lộ mà tôi rất thường nhìn thấy. Trường chỉ là một dãy lớp đơn độc với hành lang bên, tường xây, mái lợp tôn hoặc ngói, cửa nẻo sơn phết đường hoàng… thậm chí có cả cổng ngõ, tường rào. Mà sao lại đứng tơ hơ nhìn ra quốc lộ, sân trường cỏ đất phập phù không có được một tán cây lấy bóng mát ra hồn. Tôi hình dung những cô cậu bé “mài đũng quần” ở đây có may mắn lưu lại được gì với một cơ sở lên lớp đàng hoàng vật chất, mà chỉ nhàn nhạt “không khí sư phạm”.
Về vật chất và điều kiện đầu tư trường học, được như ở những quốc gia phát triển thì quá đỗi thòm thèm, nhất là đối với KTS chúng ta.
Qua Tạp chí Kiến trúc các nước, trường học là một mảng kiến trúc vô cùng phong phú, sáng tạo, độc đáo và rất khác biệt. (Ngược lại, ở Việt Nam, kiến trúc trường học vô cùng đơn điệu, lập lại cứng nhắc, nghèo nàn/nhợt nhạt «không khí sư phạm». Theo kinh nghiệm của tôi trong thiết kế kiến trúc trường học, “không khí sư phạm” khó chỉ ra một cách rõ ràng nói trên lại chính là thứ mà chúng ta bằng mọi giá phải có được, nếu muốn có một công trình kiến trúc trường học gọi là thành công đúng nghĩa. Người thụ hưởng chủ yếu phải là Thầy và trò nhiều thế hệ dưới mái trường.
3. Bắt đầu từ đầu tư – Câu chuyện đơn giản như bàn tay sấp, bàn tay ngửa. Không trồng cây thì không có trái để ăn. Để bắt đầu một công việc thiết kế, thì phải có “đặt hàng” bằng nhiệm vụ thiết kế.
Không kể thời gian dài bao cấp, kinh tế vô cùng khó khăn, có được đủ trường lớp để ngồi học đã là sự cố gắng lớn. Hiện nay, không còn khó như thế để có nhà tầng, tường xây, ngói lợp nhưng vẫn còn quản lý theo tiêu chuẩn đầu tư nặng về quy mô xây dựng, tỷ lệ diện tích phụ (hành lang, cầu thang, ban công, sân chơi trong nhà,vệ sinh, kho… bị giới hạn tỷ lệ khoảng 30 % diện tích xây dựng chung… Xem như, với số tiền (ngân sách) có giới hạn, đáp ứng phần đầu tư vật chất chủ yếu đã hụt hơi, thì rất khó có đất dụng võ cho việc tìm tòi những giá trị tinh thần và nghệ thuật khác trong kiến trúc ngôi trường. Có một câu chuyện thật như đùa: Ban QLDA xây dựng trường trung học của một huyện “khá giàu”, khẳng định đã và chỉ phê duyệt các thiết kế trường học đáp ứng các yếu tố sau: Khối lớp học phải làm mái ngói, dưới mái ngói phải đổ bê tông chống ồn. Mái ngói không được làm sê nô thoát nước mà phải xả thẳng xuống đất… từ lầu 2. Lý do đơn giản là các trường không có kinh phí bảo trì, lâu ngày máng xối có thể bị nghẹt!.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các trường quốc tế với chuẩn đầu tư về ngân sách lẫn nhu cầu về giá trị kiến trúc khác biệt đã chỉ ra một hình ảnh thành công bên cạnh bức tranh kiến trúc trường học nói chung khá chậm chạp và đơn điệu. Chỉ có điều, được mấy trường quốc tế giao KTS Việt Nam chủ trì thiết kế? Trường tư thục kể cả một số trường đại học là một nhánh thị trường khác không phụ thuộc vốn ngân sách vốn được quản lý cứng nhắc như đã đề cập ở trên, nhưng vẫn quan tâm nhất tới yêu cầu tối thiểu để có giấy phép vận hành và cân đối tài chính kinh doanh chứ không phải tạo giá trị khác biệt về không gian kiến trúc trường học. Có chăng là một số hình ảnh vỏ kiến trúc bên ngoài gây chút ngạc nhiên chứ không tạo điều kiện đầu tư đủ sâu sắc về giá trị không gian sử dụng – hướng đến những cảm nhận tinh thần tích cực.
4. Vậy thì đầu tư gì và thế nào cho kiến trúc trường học? – Phải nhắc lại những điều tôi đề cập dưới đây là kinh nghiệm và cảm nhận, không phải lý thuyết muốn khẳng định. “Không khí sư phạm” trong một kiến trúc trường học bao gồm những thứ gì? Đương nhiên nó không phải là một điều đơn lẻ cụ thể nào, nhưng tổng thể sẽ gieo vào tâm hồn của nhiều thế hệ cô cậu bé mẫu giáo, học sinh cấp một, những thiếu niên trung học hay thanh niên đại học… một ký ức đẹp, phong phú và phấn khích về bước đầu xây dựng hình tượng cá nhân và lý tưởng nghề nghiệp tương lai…
Trường học phải là gạch nối tích cực giữa thực tại mà tương lai mơ ước… Thực và mơ chỉ có thể hòa quyện tích cực nhất khi “các cô cậu bé” luôn tìm được những ánh nhìn riêng mới mẻ về không gian quen thuộc hàng ngày, lúc chung vui cùng bạn học hay khi ngồi tĩnh lặng bâng quơ – Nơi mà thầy cô “thần tượng” xuất hiện thật đẹp trong hàng trăm ánh mắt học trò; nơi mà khi vui thì mọi thứ nhẹ nhàng, phấn khích, lúc có lỗi lại thấy mọi thứ nghiêm trang đĩnh đạc; nơi mà tri thức và những điều cao thượng được hóa thân trong bố cục tổng thể, hay hạng mục cảnh quan…
Đòi hỏi này là quá tầm xoay trở với ngân sách đầu tư chỉ đủ cho mấy mươi phòng học bám vào một hành lang đơn điệu như nhau , chưa kể hành lang này còn giới hạn chiều ngang vì không được vượt qua 30% tối đa dành cho diện tích phụ…
Vì vậy tôi rất ấn tượng với ngôi trường mẫu giáo ở Bến tre được Giải thưởng Quốc gia 2018, của KTS Đàm Huỳnh Quốc Vũ, đồng thời thầm cảm ơn chủ đầu tư đã đồng điệu với ý tưởng thiết kế của KTS. Ít nhất, trường đã có được một không gian sân trước mang nét mộng mơ của một triền cỏ hồn nhiên tuổi ấu thơ và sân chơi “dưới sâu” thực ra là cote ±0.00) có bầu trời được xén tròn quay trên đầu!
Không cầu kỳ tốn kém quá nhưng chắc chắn ngôi trường này “có tên” trong niềm tự hào tuổi thơ của nhiều lớp trẻ mẫu giáo ở Bến Tre này. Bất giác tôi cũng nhớ tới hình ảnh không gian cổng chính của trường Đại học Kiến trúc KU Luven – Bỉ. Đó là một thảm cỏ xanh mênh mông như một sân bóng buộc người vào tách làm hai nhánh, là hai “con đường hàn lâm” với tượng các danh nhân khoa học và nghệ thuật nằm dưới những tán cây dẻ cổ thụ, phía sau là không khí lãng mạn của hồ nước với những bóng thiên nga trắng. Cuối quảng trường cỏ mênh mông là cây cầu đá nhỏ bắc qua hào nước. Kiến trúc mặt tiền đại diện ngôi trường là một tòa nhà cổ điển thấp khiêm tốn chắn ngang – nhưng không thiếu kiêu hãnh một chút nào khi bao cảnh làm nền cho tòa kiến trúc, nhân vật chính đó lại toát lên không khí trí tuệ, đĩnh đạc và đầy cảm xúc nghệ thuật hàn lâm như vậy.
So sánh nào cũng khập khiễng, vì tác phẩm kiến trúc là độc nhất ở bất cứ một nơi chốn cụ thể nào. Nhưng vì không thể chỉ ra «không khí sư phạm” là gì, tôi đành dùng một vài cảm giác gợi ý như vậy. Chủ ý muốn nói rằng cô cậu bé, các anh chị học sinh, sinh viên cần một không khí nhiều lớp “cảm xúc” trong một hình hài kiến trúc trường học cụ thể. Các “lớp” đó có thực cho sinh hoạt tuổi nhỏ phong phú, có riêng tư cho trí tưởng tượng bay bổng, có tính biểu tượng cho định hướng ước mơ, có tính hàn lâm để nuôi dưỡng lý tưởng nghề nghiệp, có tính trí tuệ cho rèn luyện nhân cách…
Và cuối cùng, không quá cụ thể để các “chủ thể” chính của ngôi trường không quá nhàm chán, luôn có khám phá riêng bằng trí tưởng tượng vốn là thế mạnh của tuổi nhỏ, tuổi chuẩn bị vào đời…
Trên đây là những gì tôi rất muốn được chia sẻ cùng các KTS làm nghề. Và xin các bạn thứ lỗi nếu không thể chia sẻ được cụ thể hơn về một chủ đề rất khó, theo tôi, là đạt được “không khí sư phạm” phù hợp và có bản sắc cho kiến trúc một ngôi trường .
KTS Nguyễn Văn Tất
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)