Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hạ Long – Tỉnh Quảng Ninh, một số khu vực cứ mưa là ngập, gây trở ngại không nhỏ tới hoạt động giao thông, đời sống, sinh hoạt nhân dân của thành phố; gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, thiệt hại tài sản vật chất của nhân dân và xã hội…
Đặc điểm hiện trạng hệ thống thoát nước thành phố Hạ Long
Thành phố có hệ thống thoát nước (HTTN) hỗn hợp, phần lớn là “nửa riêng” (Bình thường, nước thải sinh hoạt được thu gom tách riêng và bơm về các trạm xử lý chung của thành phố. Khi mưa xuống, nước thải sinh hoạt và nước mưa hòa chung và chảy tràn thoát ra vùng ven biển). Một số khu đô thị mới được đầu tư HTTN riêng (có trạm xử lý nước thải riêng).
Hệ thống thoát nước chính của thành phố được đầu tư từ Dự án thoát nước và VSMT TP Hạ Long – Cẩm Phả do Đan Mạch tài trợ, kết hợp với các Dự án phát triển đô thị được đầu tư nhiều giai đoạn, bởi nhiều chủ thể khác nhau. HTTN mưa TP Hạ Long hiện phân thành nhiều lưu vực, nước mưa tự chảy từ các sườn đồi qua các khu dân cư cũ ven chân đồi, thu gom vào các tuyến cống – tuyến mương tại các khu dân cư mới ven biển, sau đó thoát trực tiếp ra biển. Các mương, cống thoát nước mưa xây dựng chắp vá, thiếu đồng bộ, tiết diện và độ dốc thoát nước không đảm bảo, khớp nối kém. Mặt khác, chất lượng nhiều công trình xuống cấp, nhiều tuyến cống bị lấp đầy đất đá, bùn nên không còn tác dụng, khi mưa lớn nước chảy tràn trên mặt đường…

Nguyên nhân:
1. Nguyên nhân khách quan:
- Biến đổi khí hậu bất thường (thời tiết cực đoan), đặc biệt là hiện tượng mưa lớn bất thường, nước biển dâng…; (Ví dụ: Tại Hạ Long, trận mưa lớn ngày 05/7/2016 tập trung vào khoảng thời gian từ 16h30 đến 19h30, lượng mưa đo được tại Hạ Long là 208mm).
- Thành phố Hạ Long nằm kề bên vịnh Hạ Long, nên việc thoát nước chịu ảnh hưởng rất lớn của chế độ thủy triều, nhất là tại thời điểm có mưa lớn; (Ví dụ: Cũng vào ngày 05/7/2016, tại thời điểm 17h15 là thời điểm xuất hiện những đợt thủy triều và những dòng hải lưu mạnh nhất trong năm, đạt 4,4m theo hệ hải đồ).
- Cốt nền xây dựng một số khu vực của TP Hạ Long khá thấp (do lịch sử để lại); nhiều khu dân cư cũ hình thành tự phát bám các địa hình tự nhiên có cốt nền thấp từ + 2,5m đến + 3,5m theo hệ lục địa (tương đương 4,4m đến 5,4m theo hệ hải đồ) nên chiều cao đáy cống thoát nước các khu vực này thường thấp hơn mực nước biển lúc triều cường; dẫn đến khi thủy triều dâng cao, nước biển tràn ngược vào các cống thoát nước, làm giảm khả năng tiêu thoát nước khi mưa lớn…
- Đặc điểm hiện trạng địa hình địa mạo tự nhiên của thành phố Hạ Long khá phức tạp, độ dốc lớn và đa hướng; bao gồm cả đồi núi, thung lũng, vùng ven biển và hải đảo; chia thành nhiều lưu vực thoát nước, theo nhiều hướng khác nhau…
2. Nguyên nhân chủ quan:
- TP Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ninh, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hiện đang có nhiều Dự án đầu tư xây dựng phát triển (các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp…các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật…) tập trung khu vực trung tâm, đang được triển khai đầu tư xây dựng.
- Khi mưa lớn, một số tuyến cống thoát nước bị vùi lấp do đất đá, rác thải sinh hoạt (do các tác động hỗn hợp từ hoạt động giao thông vận tải, vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng, hoạt động xây dựng, san gạt đồi…).
- Hệ thống cống thoát nước thành phố được xây dựng hình thành theo nhiều giai đoạn, nhiều chủ thể đầu tư, xây dựng chắp vá, thiếu đồng bộ; khi mở rộng về diện tích thì chưa được đầu tư mở rộng tiết diện cống; khi làm thay đổi các bề mặt phủ, các lưu vực chảy thì chưa có biện pháp kịp thời.
- Công tác quản lý còn hạn chế, chưa lập thành hệ thống để quản lý theo dõi theo các lưu vực chính, các tuyến chính; việc nạo vét cống thoát nước chưa thường xuyên, còn bị động, chỉ khi mưa, khi bị ngập lụt mới tiến hành nạo vét, tu sửa…; khi mưa không có người túc trực quản lý, khơi thông dòng chảy nạo vét kịp thời, dẫn đến gây ngập úng cục bộ.

Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng mưa ngập tại một số khu vực thành phố Hạ Long:
Một là: Trong ngắn hạn, công tác quản lý cần tập trung:
- Công tác quản lý hệ thống thoát nước cần được quan tâm sát sao hơn, rà soát các điểm ngập lụt cục bộ, tìm nguyên nhân chính, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể khắc phục từng điểm ngập. Ví dụ: Tiến hành nạo vét các tuyến cống, khơi thông các dòng chảy, mở thêm các cửa thu nước, phân công các đội trực nạo vét – khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn tại các điểm thường xuyên ngập lụt; Xây dựng thêm các tuyến cống – tuyến mương trực tiếp ra biển (khu vực Cái Lân…); lắp đặt thay hệ thống Trạm bơm mới đủ công suất bơm nước cho các hồ trong khu vực đô thị (hồ Yết Kiêu…).
- Công tác quản lý hoạt động giao thông – vận tải, vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng, xây dựng các Dự án san đồi – lấn biển cần được quản lý chặt chẽ; đẩy nhanh tiến độ các dự án, triển khai song song các công việc san nền – xây kè – xây cống thoát nước – trồng cây xanh; phân công túc trực khi mưa lớn, huy động các phương tiện thiết bị khắc phục các sự cố sạt lở, bùn đất trôi…; rà soát điều chỉnh QH hoặc dừng đối với các Dự án, các khu vực Dự án có nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường cao…
Hai là: Trong dài hạn: Cần thiết có các giải pháp tích cực, đồng bộ chung trong công tác quản lý đô thị Hạ Long, trong đó có công tác thoát nước:
- Tiến hành rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch – thiết kế, đầu tư xây dựng HTTN phù hợp với không gian phát triển đô thị, phù hợp yêu cầu quản lý mới, ứng phó với biến đổi khí hậu (mưa lớn khác thường, nước biển dâng), phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế mới. Sẽ xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho TP Hạ Long, phân chia các lưu vực thoát nước mưa hợp lý, xây dựng hệ thống kiểm soát tiêu thoát nước tự chảy và đặt các trạm bơm cưỡng bức cần thiết. Thực hiện xã hội hóa việc quản lý hệ thống thoát nước theo các khu vực – lưu vực. Đánh giá công tác cán bộ quản lý đô thị thông qua công tác quản lý thoát nước đô thị…
- Đối với các hoạt động giao thông – vận tải, xây dựng các Dự án liên quan trên địa bàn thành phố: Tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện, ổn định đối với các Dự án phát triển trên đồi, tiến hành phủ xanh các khu vực đồi, ổn định các mái ta luy, mái dốc, ổn định dòng chảy…(Đồi cột 3- cột 8, đồi Chè – Cao Xanh, đồi khu vực Bãi Cháy…); hoàn thiện các dự án ven biển, ổn định tuyến đường bao biển, các tuyến cống – mương đón nước phía hạ lưu…(khu vực Hồng Gai, Cao Xanh – Hà Khánh, Hùng Thắng – Tuần Châu…).
- Đối với các khu dân cư cũ có cốt nền thấp, trên các sườn đồi dốc từng bước ổn định, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật (xây kè, nâng cốt nền cục bộ, xây cống thoát nước…), hoặc di chuyển các khu dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, sạt lở, ngập lụt theo Đề án được tỉnh duyệt (QĐ 1357/QĐ-UBND ngày 04/5/2016); hoàn trả lại các khe suối, mương, hành lang thoát nước… Bên cạnh đó, cần có các biện pháp thông tin, tuyên truyền để nhân dân tại các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đồi núi cần đề phòng, cảnh giác, tự phòng chống và khắc phục tại chỗ để giảm thiểu các thiệt hại, ứng phó kịp thời với các hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…

Việc khắc phục hiện tượng mưa ngập tại một số khu vực thành phố Hạ Long thời gian qua là hết sức cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa thiết thực tới hoạt động, đời sống nhân dân, sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong điều kiện nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực có hạn, liên quan nhiều ngành lĩnh vực, biến đổi khí hậu bất thường… Đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, các ngành và đơn vị liên quan, người dân, du khách… cần có những hành động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, cần có những nghiên cứu tổng thể, dài hạn, bài bản, khoa học… gắn với điều kiện thực tiễn để giải quyết vấn đề thoát nước cho thành phố, góp phần phát triển thành phố Hạ Long, bảo vệ Di sản Hạ Long bền vững.
KS Nguyễn Mạnh Tuấn – PGĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2016)
Xem thêm: