Không gian đa năng – Gắn Ðào Tạo với thực tiễn – Khoa nội thất, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Ngày 18/2/2023, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã khánh thành Không gian đa năng, hứa hẹn nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo sinh viên. Nhân dịp này, Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng Khoa Nội thất, ĐH Kiến trúc Hà Nội về không gian thú vị này. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

PV: Chào ông, trước hết xin được chúc mừng Khoa Nội thất đã khánh thành một không gian vô cùng hữu ích, phục vụ việc dạy và học thiết kế. Để bạn đọc hiểu hơn về không gian này, ông có thể giới thiệu kỹ hơn về chức năng này được không, thưa ông?

PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương: Không gian đa năng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự hợp tác, phát triển giữa Khoa Nội thất, ĐH Kiến trúc Hà Nội với mạng lưới các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty uy tín trong ngành nội thất tại Việt Nam. Gọi là không gian đa năng bởi vì nó sẽ thực hiện 3 chức năng chính: (1) Thư viện đa năng bao gồm sách và vật liệu, thiết bị – Ở đây, sinh viên có thể tiếp cận các thiết bị, vật liệu mới của thị trường. Thư viện luôn được cập nhật để sinh viên có những trải nghiệm cụ thể từ các thiết bị điện thông minh, âm thanh trong nội thất cho tới các vật liệu gỗ công nghiệp từ trần, sàn, tường. (2) Đây là không gian triển lãm, với diện tích 150m2, được lồng ghép thêm chức năng triển lãm với các vách ngăn kính khung kim loại để treo các đồ án tốt nghiệp của sinh viên, các tác phẩm xuất sắc của thầy và trò trong quá trình đào tạo. (3) Đây cũng là phòng chiếu phim kết hợp với tọa đàm, hội thảo. Tại khu vực này, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các talkshow về các hoạt động chuyên môn. Không gian này cũng được trang bị hệ thống âm thanh và hình ảnh với các thiết bị tiên tiến nhất để có thể truyền tải đến thầy và trò theo cách sống động và rõ nét nhất các tư liệu hay phim ảnh liên quan đến ngành nội thất, chuyên ngành.

Nhìn chung, các không gian được thiết kế tương đối linh hoạt, thuận tiện thay đổi và cập nhật thêm các thiết bị, thông tin. Đó cũng là một giải pháp để không gian luôn mới trong mắt sinh viên đến tham quan, nghiên cứu và học tập tại đây. Hy vọng tại không gian đa năng này sẽ có nhiều hoạt động bổ trợ, làm mới, phong phú thêm cho chương trình đào tạo.

PV: Một không gian mới và thú vị! Ông có thể chia sẻ về ý tưởng của các thầy khi thiết kế và ứng dụng không gian này trong hoạt động đào tạo thiết kế?

PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương: Như các bạn đã biết, chương trình đào tạo chính chuyên ngành, thời gian đã được cố định, rất khó để thay đổi. Đó cũng là điều bắt buộc người học phải tiếp thu trong quá trình đào tạo. Trên thực tế, chúng tôi đã liên tục tìm kiếm, tổ chức các chương trình bổ trợ như talk show, triển lãm, tham quan thực tế, để thu hút sinh viên ngành Thiết kế Nội thất, hứng thú, thực tiễn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không có địa điểm cụ thể, các chương trình chưa mang lại hiệu quả lớn. Do đó, chúng tôi đã mạnh dạn có sáng kiến thử mời các doanh nghiệp tham gia cùng với khoa, với nhà trường vào quá trình đào tạo – quá trình bổ trợ đi song song với chương trình chính. Rất may mắn là các doanh nghiệp cũng rất hảo tâm, vui vẻ nhận lời và ủng hộ cho không gian này. Riêng đợt vừa rồi, chúng tôi đã đón nhận 18 doanh nghiệp thiết bị, vật liệu ủng hộ từ hiện vật, tới tài chính để chúng tôi hoàn thiện các không gian đa năng như Gỗ Công Nghiệp An Cường, Minh Long; Saint-Gobain, Nakagawa, TTDgroup, LUMI, SSQ, ZIP… Các doanh nghiệp liên quan đến phần mềm đào tạo, phần mềm thiết kế cũng tham gia. Với sự ủng hộ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, chúng tôi đã cơ bản hình thành được các không gian và đi vào hoạt động.

Chúng tôi đã dùng không gian này để tổ chức các hoạt động của các thầy, các cuộc họp của Khoa và họp toàn bộ ban cán sự của các lớp, đại diện cho hơn 1800 sinh viên các khóa của ngành nội thất. Dưới sự hỗ trợ của Đoàn Thanh Niên, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch hoạt động vận hành, dự kiến không gian sẽ do Đoàn Thanh Niên điều hành và quản lý, hướng tới các hoạt động hữu ích cho sinh viên ngành thiết kế nội thất. Trong cuộc gặp các đại diện lãnh đạo tất cả các lớp, các cán bộ lớp cũng cảm thấy rất phấn khởi, thích thú khi được sử dụng một không gian như vậy. Không gian kỳ vọng sẽ giúp các bạn sinh viên trở nên rất năng động, sáng tạo. Khoa cũng nhận được nhiều đề xuất để thực hiện các hoạt động trong quá trình tiếp theo.

TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc phát biểu tại lễ khánh thành
Tấm vách trưng bày các đồ án của Thầy và trò Khoa Nội thất

PV: Nhân cơ hội nói về các không gian thiết kế mới, ông có nhận xét gì về các phong cách thiết kế nội thất nổi bật hiện nay?

PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương: Có thể nói trong lĩnh vực nhà ở, chúng ta đang trong giai đoạn tiếp thu văn hóa, văn minh thế giới, điều này là dễ hiểu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập cả kinh tế lẫn thông tin. Tuy nhiên, việc bê nguyên các hình mẫu nhà ở tại các nước phát triển vào Việt Nam với số lượng và tốc độ không nhỏ đã mang lại cảm giác lo lắng cho những người làm chuyên môn. Những mô hình “lâu đài” với kiến trúc rườm rà xa hoa xuất hiện ở hầu hết các địa phương với nội thất lấp đầy bằng gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ – dát vàng từ trong ra ngoài. Sự xuất hiện của các loại nhà ở này chưa hề có biểu hiện dừng lại… Một số kiến trúc nội thất hiện đại trang bị nội thất nhập khẩu rất đắt tiền vẫn đang được bộ phận lớn người ở có điều kiện kinh tế coi là hình mẫu hướng tới.

Do đó, trong thời kỳ “quá độ” này, việc tiếp thụ tinh hoa kiến trúc – nội thất của thế giới là cần thiết, nó giúp chúng ta có được sức sống tươi mới cho cơ thể kiến trúc. Tuy nhiên nếu để buông thả theo nhu cầu của thị trường trong một thời gian dài, kiến trúc Việt có nguy cơ gánh chịu những hệ lụy không nhỏ. Chính vì vậy, cần có những đổi mới và sáng tạo trong quá trình dạy và học. Tôi hy vọng rằng không gian đa năng này sẽ hoạt động thực sự hiệu quả, góp phần tích cực cho việc giảng dạy một cách sáng tạo.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hiện nay cũng đang hoàn thiện cơ sở vật chất của mình, xây dựng các phòng đa năng với diện tích sàn lớn. Trong tương lai gần, chúng tôi hy vọng mô hình không gian này sẽ được mở rộng và nhân rộng thêm. Cụ thể, hiện nay, chúng tôi đang có 4 xưởng thiết kế nội thất, nếu được, chúng tôi mong muốn xây dựng những không gian đa năng tương tự thế này cho các xưởng, với quy mô có thể phù hợp hơn, để số lượng đông đảo sinh viên trong khoa có thể tiếp cận thường xuyên hơn với những học liệu, cập nhật thường xuyên hơn các thiết bị vật liệu.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc Khoa Nội thất và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ngày càng gặt hái được nhiều thành công trong công tác đào tạo!

Thu Vân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)