Giải pháp phát triển đô thị để Đà Nẵng trở thành đô thị biển đáng sống

Sau hơn 20 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn trong phát triển đô thị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự tăng trưởng của Đà Nẵng cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập về cả khía cạnh đô thị và kinh tế. Để khắc phục các hạn chế, phát huy ưu điểm, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu rõ các thành tựu và hạn chế trong phát triển của Đà Nẵng và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển TP. Theo đó, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2045 trở thành TP biển đáng sống đạt đẳng cấp của khu vực Châu Á.

Cầu Trần Thị Lý – Ảnh: Lê Hải Sơn

1. Hiện trạng công tác quy hoạch, phát triển đô thị

Để đạt được mục tiêu nói trên, TP Đà Nẵng cần căn cứ vào tiêu chí thành phố đáng sống để có những đột phá mới trong chiến lược phát triển cho 25-30 năm tới, đưa đô thị Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới, có sức cạnh tranh quốc tế và thực sự tạo động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và khu vực Duyên hải miền Trung.

2. Tiêu chí TP đáng sống

Khái niệm “TP đáng sống” đã được nghiên cứu, đánh giá và thực hành phổ biến trên thế giới trong hơn 20 năm qua. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu, một TP đáng sống phải là TP được quy hoạch tốt, theo hướng đô thị nén, cho phép mọi người đi bộ đến mọi nơi (trường học, bệnh viện, nơi làm việc, cửa hàng, công viên, nhà hàng…). TP đáng sống cung cấp cho người dân quyền tiếp cận với nước sạch, không khí sạch, nhà ở giá cả phải chăng và thực phẩm lành mạnh, an toàn. TP đáng sống là nơi có các kết nối thuận tiện, an toàn, tăng hiệu quả về kinh tế, khiến việc sống và kinh doanh ở đây trở nên hấp dẫn.

3. Các phân tích về TP Đà Nẵng

Để xác định được các giải pháp phù hợp và khả thi đưa Đà Nẵng trở thành TP biển đáng sống đạt đẳng cấp của khu vực Châu Á trong giai đoạn đến 2045, cần đánh giá, phân tích kỹ những điểm mạnh, điểm yếu của TP qua quá trình phát triển trong hơn 20 năm qua cũng như nhìn nhận được những cơ hội và thách thức mang tính khu vực và toàn cầu trong tương lai trung hạn. Các đánh giá về Đà Nẵng có thể tóm lược như sau:

  • Điểm mạnh
    • Có điều kiện tự nhiên và sinh thái thuận lợi: Địa hình phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu tốt cho con người và động thực vật;
    • Người dân thuần phác và cần cù lao động. Ẩm thực phong phú, đặc sắc;
    • Tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh. Có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng tốp đầu liên tiếp trong nhiều năm gần đây, có môi trường đầu tư hấp dẫn;
    • Hạ tầng đô thị được xây dựng tương đối đồng bộ. Có cảng biển tốt (cảng Tiên Sa hiện tại và cảng Liên Chiểu trong tương lai). Có sân bay ngay trong thành phố tạo thành mô hình đô thị sân bay;
    • Là một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên;
    • Có nhiều tài nguyên du lịch: Bờ biển đẹp và gần các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà, Quảng Bình, Huế, Hội An, Mỹ Sơn.
  • Điểm yếu
    • Quy hoạch xây dựng thành phố dàn trải, chất lượng đô thị hoá chưa cao:
      • Sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, mật độ xây dựng thấp. Cách thức quy hoạch, phát triển đô thị dàn trải gây lãng phí tài nguyên đất đai và đòi hỏi nhiều vốn để mở rộng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong tương lai;
      •  Chưa có Khu thương mại trung tâm (CBD – Central Business District – khu tập hợp các công trình văn phòng thương mại, tài chính, shoping mall hạng sang, khách sạn lớn có tầm cỡ quốc tế);
      • Thiếu các khu đô thị quy mô lớn, tiện nghi, đủ chức năng, được quy hoạch và xây dựng bài bản;
      • Hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải còn nhiều khó khăn.
      • Tỷ lệ đất dành cho mục đích công cộng, như công viên cây xanh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa – thể thao thấp.
    • Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp không nhiều. Tay nghề của lực lượng lao động chưa cao.
    • Sản phẩm và hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu:
      • Chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt với các vùng miền khác trong nước;
      • Thiếu điểm vui chơi giải trí tổng hợp. Ngoài bãi biển đẹp và khu du lịch Bà Nà, các điểm đến du lịch (địa điểm hấp dẫn du khách) ở trong TP Đà Nẵng còn ít. Việc tổ chức du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với các địa phương có các điểm di sản thế giới ở Huế, Hội An và Mỹ Sơn và các hang động ở Quảng Bình để hình thành những tour du lịch phức hợp, hấp dẫn;
    • Chưa có các cơ sở chữa bệnh hàng đầu của khu vực miền Trung: Đà Nẵng hiện có nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa và trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế xã phường và trên 1.000 phòng khám chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh chưa làm người dân thành phố thoả mãn.
    •  Chưa thu hút được nhiều cư dân chất lượng cao (trẻ, năng động và sáng tạo) ở trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống.
  • Cơ hội:
    • Vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa Hà Nội và TP HCM, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên. TP Đà Nẵng còn là điểm cuối trên Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua các nước Myanmas, Thái Lan, Lào, Việt Nam;
  • Là TP trẻ, năng động, có khả năng áp dụng các kinh nghiệm phát triển đô thị của các TP trong và ngoài nước;
  • TP có đặc điểm địa hình phong phú, đặc điểm địa chất thuận lợi để phát triển thành một đô thị kết hợp sông – núi – biển trong tương lai.
  • Thách thức:
    • Dễ bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
    • Nguồn tài nguyên đất đai để phát triển đô thị có hạn.
Toàn cảnh TP Đà Nẵng – Ảnh: Lê Hải Sơn

4. Một số đề xuất

Với các phân tích đã nêu ở trên, tác giả xin đưa ra một số đề xuất mang tính định hướng về phát triển đô thị mà nếu thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, xã hội:

  • Tìm cách tiếp cận mới, áp dụng các kinh nghiệm quốc tế về lập quy hoạch tích hợp để tạo sự đột phá trong phát triển đô thị, đưa Đà Nẵng thực sự trở thành TP phát triển, có khả năng tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho Khu vực Duyên hải miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong giai đoạn 2020-2030, trở thành TP đáng sống, có sức cạnh tranh trong khu vực Châu Á trong giai đoạn đến năm 2045;
  • Xác định được các mục tiêu khả thi cho chiến lược phát triển Đà Nẵng trong từng giai đoạn cụ thể: Trong 25 -30 năm tới, xây dựng Đà Nẵng trở thành TP có chất lượng cuộc sống tốt cho người dân địa phương, có sức hấp dẫn và có khả năng thu hút được:
  • Các cư dân chất lượng cao (chuyên gia, nhà khoa học, lao động có tay nghề cao) trong và ngoài nước đến sống và làm việc;
  • Các công ty quốc tế có tên tuổi đến đầu tư sản xuất hay đặt trụ sở;
  •  Các khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Muốn vậy có thể phát triển đô thị theo 5 định hướng phát triển sau:

  1. Hình thành cấu trúc phát triển không gian theo mô hình đô thị nén;
  2. Từng bước tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng đô thị. Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp với cấu trúc đô thị nén, các công trình cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải, rác thải;
  3. Hoàn thiện các khu vực chức năng đô thị nhằm nâng cao sức sống đô thị;
  4. Hình thành các cảnh quan hấp dẫn, công trình điểm nhấn, tạo bản sắc đô thị;
  5. Giảm thiểu rủi ro môi trường, rủi ro từ biến đổi khí hậu.

5. Các giải pháp cụ thể

a.Hình thành cấu trúc phát triển không gian theo mô hình đô thị nén

  • Hiện tại, Đà Nẵng có cấu trúc đô thị rộng, với mật độ thấp (50-70 người/ha). Trong tương lai, TP nên hình thành cấu trúc đô thị nén. Việc hình thành cấu trúc đô thị nén sẽ có 3 cái lợi:
    • Về kinh tế, đô thị nén giúp tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng và giảm chi phí bảo dưỡng, đặc biệt là cho các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp và thoát nước. Đô thị nén cho phép đầu tư phát triển đô thị tập trung vào các khu vực trọng điểm. Cấu trúc này cho phép dễ dàng ứng dụng công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công, giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đô thị và việc làm. Mật độ dân số cao cộng với sự phong phú về chức năng đô thị giúp thúc đẩy sự truyền bá kiến thức dẫn tới tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị. Hơn nữa, cấu trúc đô thị nén sẽ tránh được cách phát triển đô thị dàn trải, tốn kém đất đai, giúp gìn giữ hệ sinh thái xung quanh đô thị và để dành đất phát triển du lịch, sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn TP;
    • Về xã hội, đô thị nén làm giảm khoảng cách đi lại, giảm giá thành của giao thông công cộng giúp cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp dễ dàng di chuyển, tìm kiếm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
    • Về môi trường, đô thị nén giúp thu hẹp khoảng cách trong – ngoài của đô thị, giảm sự phụ thuộc vào ô tô và giúp giảm tiêu hao năng lượng và khí thải.
  • Động lực phát triển kinh tế của các TP phát triển trên thế giới thường nằm ở “trái tim” của các TP – đó là Khu thương mại trung tâm (CBD – Central Business District). Đà Nẵng chưa có Khu thương mại trung tâm, vì vậy, TP cần xác định vị trí để tái phát triển và xây dựng Khu thương mại trung tâm. Đây là khu vực xây dựng tập trung các toà nhà cao tầng làm văn phòng, khách sạn loại sang và trung tâm mua sắm, nơi tập trung các hoạt động kinh doanh buôn bán sôi động. Khu thương mại trung tâm vừa tạo động lực phát triển kinh tế vừa tạo hình ảnh silhouette của TP Đà Nẵng khi nhìn từ đèo Hải Vân xuống hay từ bán đảo Sơn Trà vào. Có thể chọn khu vực giới hạn bởi đường Lê Lợi, Phan Châu Trinh (bờ tây sông Hàn) và khu vực hai bên đường Trần Hưng Đạo và một phần đường Ngô Quyền (bờ Đông) với cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý.

b. Phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp với cấu trúc đô thị nén; nâng cấp các công trình cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, nước thải

  • Quy hoạch và nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện hơn để làm giảm sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tránh lặp lại bài học về sự bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân ngoài tầm kiểm soát như ở Hà Nội và TP HCM.
  • Phát triển mạng lưới xe buýt nội đô kết nối khu thương mại trung tâm với các khu dân cư sinh sống và giữa các khu dân cư sinh sống với nhau. Xây dựng các tuyến xe buýt nhanh nối Đà Nẵng với Bà Nà, Huế và Hội An, Tam Kỳ để tăng tính kết nối giữa TP và các vùng lân cận vừa phục vụ du lịch. Trong giai đoạn đến 2045, cần đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị. Ứng dụng công nghệ đô thị thông minh trong điều hành hệ thống giao thông của TP.

c. Tăng cường chức năng đô thị nhằm nâng cao sức sống đô thị

  • Quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới (với nhà chung cư cao tầng là chủ yếu) đầy đủ chức năng và tiện nghi nhưng có giá thành hợp lý để thu hút các cư dân trẻ năng động. Ngoài ra việc phát triển các khu nhà ở chung cư còn làm giảm nhu cầu xây dựng nhà chia lô – một cách thức xây dựng nhà ở lãng phí đất đai.
  • Đa dạng hóa việc thu hút nguồn lực xây dựng dự án Làng đại học Đà Nẵng. Tiếp tục nâng cao chất lượng của các trường đại học thu hút giảng viên và các tài năng trẻ trong và ngoài nước đến giảng dạy, học tập, sinh sống và đóng góp chất xám cho công cuộc phát triển của TP. Xây dựng thêm các trường dạy nghề với số lượng môn học và ngành nghề đáp ứng các đòi hỏi đầy biến động của nền kinh tế để từng bước nâng cao tay nghề của lực lượng lao động ở Đà Nẵng.
  • Xây dựng mới hoặc nâng cấp các bệnh viện hiện có và kết hợp với đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện trung ương Huế, Đại học Y (Huế) để hình thành thành trung tâm chữa bệnh hàng đầu của miền Trung và Việt Nam.
  • Nâng cấp hạ tầng về du lịch để phục vụ tốt hơn nữa, phù hợp với nhiều loại du khách khác nhau. Hình thành đầu mối (hub) du lịch của toàn miền Trung từ Phong Nha, Kẻ Bàng, Sơn Đòong (Quảng Bình) đến Mỹ Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), có thể xuất phát từ Đà Nẵng và đi về trong ngày.
  • Tận dụng lợi thế đầu mối giao thông (cảng biển, sân bay) và vị trí trên các con đường huyết mạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào trong các khu công nghiệp đã xây dựng.

Hình thành các cảnh quan hấp dẫn, tạo bản sắc đô thị:

  • Tận dụng các đặc điểm tự nhiên thuận lợi như địa hình phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp để phát triển không gian thành một đô thị kết hợp sông – núi – biển. Xây dựng các không gian công cộng, không gian mở như công viên cây xanh, khu giải trí tổng hợp (small Disney Land )… trong lõi của TP và hai bên các con sông. Xen cấy các không gian cây xanh nhỏ trong các khu dân cư.
    d. Giảm thiểu rủi ro môi trường
  • Nâng cao các quy định về xây dựng và môi trường để đảm bảo phát triển đô thị song song với gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải CO2.
  • Lồng ghép các đánh giá rủi ro thiên tai (bão, lũ và nước biển dâng) vào các phương án và giải pháp quy hoạch phát triển đô thị để chủ động hạn chế và giảm thiểu rủi ro.

6. Kết luận

Định hướng và các giải pháp nói trên là khả thi đối với năng lực của TP Đà Nẵng, phù hợp với các cơ hội cũng như thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường mang tính toàn cầu trong tương lai. Các giải pháp này được nghiên cứu so sánh và rút ra từ bài học thành công và thất bại của Hà Nội, TP HCM cũng như một số thành phố trong khu vực Asean và châu Á.

*PGS.TS. KTS Hoàng Vĩnh Hưng
Cục Phát triển đô thị

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)

––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo
1. ACCCRN. Một số nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Đà Nẵng từ 2014 đến 2016 của Asian Cities Climate Change Resilience Network;
2. Hoàng Vĩnh Hưng, 2013. Phát triển không gian đô thị Đà Nẵng để trở thành thành phố có bản sắc, tầm vóc khu vực và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bề vững. Hội thảo Các ý tưởng xây dựng Đà nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực Asean và Châu Á, 5/3/2013 tại Đà Nẵng;
3. Viện QHXD Đà Nẵng, 2013. Thuyết minh đồ án điều chỉnh QHC thành phố Đà Nẵng đến năm 2030;
4. Website Cổng thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng.