Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên là khu liên hợp vui chơi giải trí tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây tái hiện các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng, sự tích trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh…, hay triết lý Phật giáo với hình tượng Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Thế Âm …, thông qua các hình tượng kiến trúc. Đây là địa điểm hấp dẫn, thu hút cư dân Thành phố và du khách.
Công viên Suối Tiên được mệnh danh là vùng đất Tứ Linh với chủ đề “Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc”. Chủ đề này xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển công viên, ảnh hưởng khá đậm nét cho việc hình thành các nhóm chủ đề và biểu tượng chính:
1. Nhóm chủ đề về lịch sử và cội nguồn dân tộc với các hạng mục công trình như đền thờ Vua Hùng, sân khấu Hùng Vương, Biển Tiên Đồng, Long Quy Ẩn Thủy, Phụng hoàng cung, các tiểu cảnh lịch sử … sử dụng các vật biểu, truyền thuyết, sự kiện lịch sử văn hóa nước nhà để thể hiện ước vọng vươn tới thái bình, thịnh vượng.
2. Nhóm chủ đề về tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, mà tôn giáo được đề cao là Phật giáo với Long Hoa Thiên Bảo, đền thờ Phật Bà cùng hai công trình Thiên đình cung, Kỳ lân cung (Địa ngục) thể hiện lòng tin vào Đức Phật, biểu tượng cho sự hướng thiện, triết lý luân hồi, luật nhân quả trong Phật giáo và những hạng mục khác biểu tượng cho niềm tin trong tín ngưỡng dân gian.
3. Nhóm biểu tượng cho triết lý phương Đông với các quan niệm về Âm Dương, Tam tài cùng những hình thức biểu thị của cặp đôi, cặp ba như: Vuông – Tròn, Cao – Thấp, Nam – Nữ, Cha – Mẹ – Con, …
4. Nhóm chủ đề về văn hóa Nam Bộ được thể hiện qua những hình tượng cây trái Nam Bộ sum suê. Tính cách phóng khoáng của con người Nam Bộ cũng được bộc lộ qua những mảng màu sặc sỡ.
Cơ sở khoa học của vấn đề biểu tượng và triết lý trong quần thể kiến trúc Suối Tiên
Công viên Suối Tiên được xây dựng theo tính chất của công viên chủ đề và có một hệ thống hạng mục giàu tính biểu tượng của văn hóa dân gian. Do vậy, vấn đề biểu tượng và triết lý trong quần thể kiến trúc này chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau.
Xét về mặt lý luận, các hạng mục của công viên chủ đề nói chung và công viên Suối Tiên nói riêng đều thể hiện tính nhị diện trong kiến trúc. Đó là mối quan hệ giữa : hình thức biểu tượng và nội dung triết lý. Hai mặt này liên quan chặt chẽ với nhau trong quá trình biểu tượng hóa kiến trúc, đảm bảo cho thông điệp được truyền tải và tiếp nhận có cùng cách hiểu giống nhau.
Về mặt nội dung, yếu tố văn hóa dân tộc góp phần rất quan trọng trong việc xác định nội dung và chủ đề của biểu tượng. Công viên Suối Tiên được hình thành trước hết và chủ yếu từ văn hóa dân gian (về cội nguồn – lịch sử dân tộc, về tín ngưỡng, triết lý) và cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa chính thống (như tôn giáo, triết lý văn hóa phương Đông).
Về hình thức biểu hiện, chúng tôi nhận thấy rằng, các hạng mục và kiến trúc biểu hiện trong công viên Suối Tiên có sự tương đồng với kiến trúc hiện đại những năm đầu thế kỷ 20 và lý luận về các loại mã (code) trong kiến trúc Hậu Hiện đại. Với chức năng là nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người, do đó, hình thức biểu hiện cần gần gũi và dễ hiểu với đại đa số quần chúng. Xu hướng mô phỏng với “mã bình dân” và cách thức “tả thực”, thủ pháp “khổng lồ hóa” là sự lựa chọn hợp lý để biểu hiện kiến trúc trong một công viên chủ đề, tạo ra không gian với những biểu tượng thân thuộc.
Với công viên Suối Tiên, những đặc thù về mặt lịch sử, văn hóa, con người và sản vật địa phương đặc sắc Nam Bộ đã góp phần làm nên đặc trưng riêng thông qua xu hướng nghệ thuật. Bên cạnh đó, ảnh hưởng thực tiễn từ các công viên chủ đề trên thế giới cũng góp phần không nhỏ đến sự hình thành và “Việt hóa” chủ đề tư tưởng và không gian công năng của công viên Suối Tiên.
Biểu tượng, triết lý và kiến trúc trong công viên Suối Tiên
Việc khai thác các yếu tố biểu tượng và triết lý ở công viên Suối Tiên được thể hiện qua bốn nhóm chính: Nhóm khai thác chủ đề cội nguồn và lịch sử dân tộc; nhóm khai thác chủ đề tôn giáo và tín ngưỡng dân gian với các phân nhóm chi tiết về tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng vật linh; nhóm khai thác chủ đề triết lý phương Đông với hai dòng chính thống và dân gian; nhóm khai thác chủ đề văn hóa Nam Bộ.
Trong sự nỗ lực của mình, chủ đầu tư và các kiến trúc sư thiết kế công viên Suối Tiên đã có những đóng góp tích cực trong việc chuyển tải nhiều ngôn ngữ hình thức và nội dung về văn hóa dân tộc. Tạo ra được một thế giới biểu tượng phong phú, phản ánh văn hóa Việt Nam phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.
Với chủ trương “tả thực”, sử dụng các mã biểu tượng vốn quen thuộc với quần chúng, công viên tạo được một thế giới biểu tượng và triết lý gần gũi, dễ hiểu với mọi người dân Việt Nam. Yếu tố hình thức cụ thể trong các biểu tượng văn hóa dân gian đã được kiến trúc hóa và khai thác rõ nét với những biểu hiện cực kỳ phong phú. Ngôn ngữ của kiến trúc lúc này chính là những vật biểu, những hình ảnh tượng trưng, truyền thuyết trong kho tàng văn hóa của hệ chính thống và dân gian.
Có thể nói, việc khai thác các chủ đề qua phần “hình”, lộ ra phần “nghĩa” (phần triết lý) của văn hóa dân gian Việt Nam, vốn quá quen thuộc với người Việt, đã được truyền tải hiệu quả đến khách tham quan. Bên cạnh các giá trị biểu tượng nêu trên, kiến trúc ở công viên Suối Tiên còn truyền tải được các giá trị phi vật thể trong văn hóa truyền thống Việt như: tính cộng đồng, tính dung hợp, triết lý sống hài hòa với thiên nhiên… thông qua việc tổ chức các không gian cộng đồng, sử dụng đa dạng các hạng mục trang trí của các nền văn hóa khác nhau, sự bố cục tổng thể hài hòa giữa nước, đồi, công trình, … trong quần thể công viên
Đối chiếu với những xu hướng kiến trúc đã và đang tồn tại trên thế giới, kiến trúc của công viên Suối Tiên có thể được xem là một sự “bắt nhịp” với những quan niệm kiến trúc giàu tính nhân văn của chủ nghĩa Biểu hiện, của kiến trúc Hậu Hiện đại những thập niên 70 – 80 của thế kỷ 20 và kiến trúc trong các công viên chủ đề trên thế giới. Đó là xu hướng kiến trúc theo phong cách “tả thực” (“kiến trúc con vịt”), trong đó các “mã bình dân” và tính hư cấu của văn học, nghệ thuật sân khấu được áp dụng khá triệt để, nhằm tăng cường sự giao tiếp của kiến trúc (với tư cách là một vật thể văn hóa) với quần chúng.
Về mặt văn hóa và giáo dục, công viên Suối Tiên khi lựa chọn chủ đề “Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc” cũng có một ý nghĩa nhất định đối với việc phổ biến văn hóa dân tộc, giúp cho du khách tham quan hiểu rõ hơn và định hình những giá trị của văn hóa nước nhà. Tạo được những “điểm” biểu tượng và triết lý giúp cho du khách nước ngoài dù không am hiểu về văn hóa Việt Nam cũng có thể thấy được một bức tranh sơ lược về đặc trưng văn hóa Việt.
Về mặt kiến trúc và thẩm mỹ đô thị, công viên Suối Tiên được xây dựng khép kín, nằm cách xa khu trung tâm đô thị ồn ào náo nhiệt. Đây là một lựa chọn đúng đắn về giải pháp quy hoạch. Nó khiến người ta có được cảm giác lạc vào một thế giới của “Cội nguồn”. Những biểu tượng của khu công viên được nhận ra dễ dàng với Thiên Tiên môn và Lạc Long Quân trong hình tượng ngọn núi nhân tạo cao 70m. Do vậy, sự tương tác, những tạp hưởng từ không gian bên ngoài dội vào công viên và ngược lại đã không ảnh hưởng đến mục tiêu dẫn dắt người tham quan trong không gian và thế giới của những điều đặc sắc. Hai điểm cao này của Suối Tiên cũng có thể được coi là những điểm nhấn “landmark” trên cửa ngõ vào trung tâm Thành phố.
Nhược điểm nổi bật trong khai thác tính biểu tượng của các hạng mục kiến trúc ở công viên Suối Tiên là thiếu tính nhất quán mà một tổng thể công trình văn hóa cần có. Hầu hết các nội dung triết lý của văn hóa dân gian đều được diễn dịch một cách khá cụ thể, rất gần gũi với đa số quần chúng, song lại thiếu tính khái quát mà các nhà phê bình nghệ thuật đòi hỏi. Mâu thuẫn trong đánh giá giá trị và đóng góp của quần thể kiến trúc Suối Tiên cũng có thể bắt nguồn từ đấy. Theo ý kiến của chúng tôi, thì việc truyền đạt các giá trị văn hóa dân gian ở công viên Suối Tiên thành công nhất trong “thao tác” cụ thể hóa các khái niệm, biểu tượng, huyền thoại… bằng các hình tượng trực quan, một phương pháp hầu như ít thấy trong nghệ thuật hàn lâm.
Mặt khác, rải rác trong nhiều nhóm thành phần của công viên Suối Tiên, dường như luôn có sự lặp lại một số hình tượng như: Phật Di Lặc, Ếch ngậm tiền vàng, các vị Thần tiên, Thiên đăng, Tứ Linh … điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của khách tham quan, tạo cho họ cái cảm giác dễ bị nhàm chán… Nhưng xét về mặt tâm lý truyền tải – tiếp nhận, điều này lại cần thiết, vì nó giúp củng cố được lòng tin và sự tôn sùng của con người vào những tín ngưỡng dân gian truyền thống. Sự “bình dân hóa” trong truyền đạt các chủ đề tôn giáo trong công viên Suối Tiên còn thể hiện được triết lý gắn kết hài hòa và chặt chẽ giữa đạo và đời: Đạo sống giữa đời và đời luôn hướng đạo. Cách tiếp cận những vấn đề cao siêu trong triết lý Phật giáo đã được người bình dân Nam bộ “thế tục hóa” rất hồn nhiên, là một đặc trưng tiêu biểu trong hành trình văn hóa ở đây.
Nhìn chung, về khía cạnh biểu tượng và triết lý, công viên Suối Tiên mới chỉ đạt được trong phạm vi từng hạng mục công trình, mà chưa đạt đến một cấp độ tổng thể. Khắc phục điều này chỉ có thể là một giải pháp quy hoạch mang tính đồng bộ, trên đó thể hiện sâu sắc những giá trị vật chất và tinh thần trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là những nội dung hoạt động mà trong đó có sự tham gia của con người cũng nên theo hướng thâm nhập, khám phá những triết lý sâu xa cùng với những biểu tượng thân thuộc.
Thông qua những nghiên cứu về công viên Suối Tiên, chúng tôi rút ra được một số quan điểm đối với vấn đề biểu tượng và triết lý trong kiến trúc – đô thị hiện nay như sau:
Khai thác văn hóa dân tộc là một yêu cầu hết sức thiết thực của kiến trúc đương đại trong việc tìm kiếm những biểu hiện giàu tính nhân văn và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế – thích dụng – thẩm mỹ. Có thể có nhiều “lối đi” khác nhau trong việc tìm kiếm biểu hiện nêu trên, vì “văn hóa chính là sự lựa chọn”, theo cách nói của nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn xác nhận thêm một “lối rẽ” – sử dụng biểu tượng – triết lý trong văn hóa dân gian cho xu hướng khai thác văn hóa dân tộc trong kiến trúc. Bởi vì, văn hóa dân gian luôn là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo nghệ thuật ở các nền văn hóa khác nhau.
Sẽ thật là vô lý nếu áp đặt những lý luận rất uyên bác, những hình ảnh biểu tượng thâm thúy cho những kiến trúc đang rất cần gần gũi, “dễ hiểu” với đại đa số quần chúng, nhất là ở một không gian có công năng chủ yếu là phục vụ vui chơi giải trí, thư giãn tinh thần như ở công viên Suối Tiên. Song, cũng thật là thái quá nếu sử dụng những biểu tượng theo xu hướng “tả thực” như vậy ở những không gian kiến trúc đô thị khác bên ngoài các khu vui chơi giải trí. Chính sự cần thiết phải “cân nhắc thận trọng” và nhiều “lối đi” để có lựa chọn đúng, nó sẽ góp phần làm cho không gian kiến trúc – đô thị thêm đa dạng, phong phú và phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như nền kiến trúc ngày nay.
KTS Lê Đàm Ngọc Tú