Nhìn về tương lai từ một dòng sông lịch sử: Thành phố ven sông Cổ Cò

Được biết đến với cái tên Lộ Cảnh Giang, Cổ Cò là một dòng sông lịch sử nối liền Đà Nẵng (từng được biết với tên Touranne) với Hội An (Fai-Fo hay Faifoo) trong giai đoạn trước thế kỷ 19. Con sông này là tuyến đường thủy an toàn nối liền Phố cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng. Qua nhiều đồ án quy hoạch, chính quyền hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã khẳng định con sông là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An. Tuy vậy, hiện trạng dòng sông đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng bởi các dự án du lịch và dự án quy hoạch phân lô.

Bài báo nhằm phát lộ tính khả thi và lợi ích mang tính chiến lược của việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò – Như một động lực kinh tế kích thích sự phát triển cho cả hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Với thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam, thành phố ven sông này sẽ hấp thu áp lực phát triển mà đô thị cổ đang phải đối mặt. Tính chất cộng hưởng qua lại (synergy) của dự án này sẽ vực dậy cả kinh tế cả một vùng. Thành phố là lời giải cho bài toán phát triển Vùng đô thị Đà Nẵng và Hội An.

Chúng tôi nghiên cứu tổng quan các tài liệu lịch sử về sông Cổ Cò và các bản quy hoạch của Đà Nẵng và Hội An có đề cập đến sông Cổ Cò để làm rõ cơ sở lập luận cho việc xây dựng thành phố ven con sông này.

Bản đồ của Le Floch de la Carrière miêu tả sông Cổ Cò với cái tên “Bras de Mer de Touranne a Fayfo” chỉ rõ dòng sông nối từ Đà Nẵng (người nước ngoài gọi là Touranne) với Hội An. Nguồn: Le Floch de la Carrière (1745).

Vì sao là thành phố ven sông Cổ Cò?

Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất phía Bắc Quảng Nam. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, con sông này bị bồi lấp dần một vài đoạn. Tuy vậy, về cơ bản đáy sông và các mạch ngầm của dòng sông vẫn tồn tại. Mặc dù không được khai thông nhưng dòng sông vẫn tồn tại dưới dạng các đầm, hồ, ao trong vùng. Trong bản đồ của Le Floch de la Carrière (1745), sông Cổ Cò được ghi với cái tên “Bras de Mer de Touranne a Fayfo” (một nhánh biển nối Touranne với Hội An). Trong một bản đồ khác, Đại úy Gore và Bromfield (1764) tả cửa sông Thu Bồn lúc đó rộng như cửa sông dạng vịnh. Sông Cổ Cò như một tuyến đường thủy nối thương cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng. Trong “Hải ngoại ký sự” được viết nhân chuyến thăm tới Đàng Trong năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán mô tả Cổ Cò như một tuyến sông mênh mang, hai bên bờ sông là các làng mạc san sát trù phú.

Các quy hoạch của Đà Nẵng và Quảng Nam đều đề cập đến việc nạo vét khơi thông con sông lịch sử này. Năm 2004-2005, thành phố còn lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với bề rộng 80 đến 120m.Trong bản Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định và đề cao. 

Hình 2: Sông Cổ Cò trong bản đồ của Đại úy Gore và Bromfield năm 1764. Nguồn: Gore and Bromfield 1764.

Đó là về phía Đà Nẵng, phía tỉnh Quảng Nam trong Quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 ghi nhận vai trò của dòng sông này. Trong bản đồ định hướng này tuyến sông cũng rất rõ ràng, thậm chí trong bản đồ khớp nối chi tiết quy hoạch khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc dòng sông được khẳng định rõ, phần đất đã đắp các ven hồ sen của những dự án đô thị cũng được giải phóng để trả lại mặt nước cho dòng sông (hình 3 và 4). Ở cực phía Nam của dòng sông, trong định hướng quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2030, sông Cổ Cò được ghi nhận là dòng sông quan trọng về môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối toàn bộ vùng Tây Bắc thành phố (Hình 5). Đặc biệt quy hoạch chung nhấn mạnh cần phải hạn chế san lấp nền để xây dựng đường bộ cũng như hạn chế xe cộ chạy xuyên qua hệ thống du lịch đã có.

Tuy vậy, ngày nay con sông đã bị thiên nhiên và con người đe dọa một cách nghiêm trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, mức độ bức tử dòng sông này ngày càng gia tăng do các dự án du lịch và dự án đô thị (chủ yếu nhà chia lô) đang tiến hành san lấp làm hẹp và có đoạn hoàn toàn chặn lấy dòng sông. cho thấy bức tường chắn ngang toàn bộ dòng sông và ảnh chụp hiện trạng đang san lấp lòng sông.

Nếu không khơi thông tuyến sông này chúng ta sẽ mãi mãi mất đi tuyến đường thủy nối liền hai địa phương. Quan trọng hơn nữa, nếu không khai thông và phát triển một thành phố ven sông Cổ Cò thì một vài năm nữa Hội An sẽ bị “nuốt” bởi quá trình đô thị hóa từ Đà Nẵng, dù có muốn hay không điều này cũng sẽ xảy ra như đã xảy ra với nhiều thành phố khác – Khi mà người ta đi từ thành phố này sang thành phố kia mà không nhận ra đã vượt qua ranh giới của hai thành phố.

Xây dựng một thành phố mới ven sông nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An tạo ra một tác động qua lại và lan tỏa, giúp tạo nên động lực cho sự phát triển Vùng đô thị Tây Bắc Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trong khi Đà Nẵng đang gặp khó khăn với định hướng phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ (chưa phải là dịch vụ chất lượng cao), thành phố ven sông này sẽ cung cấp một động lực mới. Thành phố mới có cảnh quan sông nước quyến rũ, là trung tâm tài chính, công nghệ cao, dịch vụ đẳng cấp như các cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhà dưỡng lão, các trường và viện đại học có chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á.

Với tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng thành phố ven sông sẽ giải tỏa áp lực lên Hội An. Một thành phố mới hiện đại đi kèm với công nghệ xanh và trang thiết bị đô thị hiện đại có thể hấp thu áp lực phát triển đô thị cho Hội An. Điều đó giúp Hội An gìn giữ bản sắc đô thị truyền thống của mình.

Tính khả thi

Để dự án này khả thi, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, tạo ra các cơ chế mới phù hợp để phát triển thành phố này, chú trọng đến sự hợp tác giữa công và tư (PPP). Chính quyền cả hai địa phương cần nhận rõ tầm quan trọng của dự án này trong việc khuyến khích phát triển kinh tế cho Đà Nẵng, bảo tồn bản sắc đô thị cho Hội An và ổn định thủy hệ của hạ lưu sông Thu Bồn và sông Hàn.

Theo khảo sát sơ bộ thì sông Cổ Cò đã bị bồi lấp tại một vài vị trí. Phần bị san lấp và bồi lấp nhiều nhất hiện tại nằm ở ranh giới của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Cần phải hiểu các dự án đang bức tử dòng sông này không chỉ thuần túy là những dự án quy hoạch phân lô (vốn không đóng góp gì nhiều cho một quy hoạch đô thị bền vững) mà tính chất nguy hại của chúng còn có nghĩa là sự bức tử dòng sông. Hình 4 cho thấy bức tường bê tông của một dự án du lịch đã đâm thẳng vào dòng sông.

Hình ảnh tuyến sông Cổ Cò trong định hướng quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Trong tất cả các lần quy hoạch chung của thành phố đều được đề cao giá trị. Riêng năm 2004-2005, thành phố còn lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với bề rộng 80 đến 120m. Nguồn: Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng.

Việc đầu tiên cần làm là cả hai tỉnh và thành phố, chủ yếu là tỉnh Quảng Nam cần chấm dứt này việc san lấp, tiến hành nạo vét dòng sông. Việc tiếp theo là cần thực hiện một quy hoạch tốt cho thành phố ven sông này.

Trung ương cũng cần tạo ra một cơ chế phù hợp cho việc hợp tác xây dựng bởi thành phố ven sông này tuy phần lớn được xây dựng trên đất Quảng Nam nhưng lợi ích mang lại cả là cho cả Đà Nẵng và Hội An. Cần có cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân trong việc xây dựng thành phố cũng như hình thành các dự án hợp tác công và tư (PPP).

Một vài ý kiến mà Diễn đàn Thành phố Kinh tế mang tên Vua Abdullah (KAEC 2015) đưa ra có thể là gợi ý cho việc xây dựng thành phố này:

– Quá trình xây dựng và quy hoạch thành phố cần bao gồm các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, vùng và quốc gia. Các cơ quan này nên được tham gia sớm trong quá trình quy hoạch để đảm bảo sự hỗ trợ bền vững cho dự án từ lúc xây dựng cho tới lúc hoàn thiện.

– Một mô hình hợp tác công tư (PPP) đảm bảo cho các lợi ích của khu vực kinh tế tư nhân và công cộng cần được đề cập tới trong quá trình của dự án.

– Cần phải tính đến hoàn cảnh địa phương khi xác định vai trò của cơ quan có thẩm quyền;

– Cần có một tầm nhìn rõ ràng;

– Cần tách rời việc xây dựng thành phố khỏi những vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ của giới chức địa phương.

Một vài giải pháp

Quy hoạch và phát triển một thành phố ven sông Cổ Cò là câu trả lời cho những vấn đề mà cả Đà Nẵng và Hội An đang phải đối mặt.

1) Thành phố ven sông Cổ Cò là câu trả lời cho vấn đề làm thế nào cung cấp một động lực kinh tế cho Đà Nẵng, vốn đang băn khoăn với việc tìm kiếm một chiến lược mang tính đột phá và sáng tạo cho việc phát triển kinh tế – xã hội. Dù với một góc nhìn bảo thủ nhất cũng thấy Đà Nẵng hiện đang mạo hiểm các giá trị thiên nhiên cho các dự án du lịch. Thay vì đánh đổi các tài nguyên này cho các lợi ích ngắn hạn, việc đưa dự án này vào thực thi sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển lâu dài cho Đà Nẵng.

Hình ảnh sông Cổ Cò trong quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Trong bản đồ định hướng này tuyến sông cũng rất rõ ràng, thậm chí trong bản đồ khớp nối chi tiết quy hoạch khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc dòng sông được khẳng định rõ, phần đất đã đắp ven hồ sen của dự án cũng được giải phóng để trả lại mặt nước cho dòng sông. Nguồn: Ban Quản lý Khu đô thị Điện Bàn.

2) Xây dựng thành phố gắn liền với việc khơi thông sông Cổ Cò. Công cuộc này đảm bảo tốt hơn cho việc thoát lũ của hai thành phố Đà Nẵng và Hội An. Khơi thông dòng sông cũng như bảo vệ và phát triển hệ thống các hồ điều hòa, các ao đầm sẽ giúp Hội An và Đà Nẵng thoát lũ một cách đáng kể. Con sông này và hai hệ thống sông Thu Bồn, Sông Hàn sẽ hoạt động theo cơ chế bình thông nhau, giúp điều hòa lượng nước của sông Thu Bồn và sông Hàn. Khơi thông sông Cổ Cò và xây dựng thành phố ven sông giúp góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

3) Thành phố ven sông này là lời giải cho câu hỏi làm thế nào giải tỏa được áp lực phát triển cho Hội An và Quảng Nam trong khi vẫn phải bảo tồn đô thị đồng thời không từ chối các cơ hội đầu tư với Hội An.

Quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2030. Quy hoạch này đã được thông qua Hội đồng nhân dân thành phố Hội An. Trong định hướng quy hoạch chung thành phố Hội An, sông Cổ Cò là dòng sông quan trọng về môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối toàn bộ vùng Tây Bắc thành phố. Đặc biệt trong quy hoạch chung nhấn mạnh cần phải hạn chế san lấp nền để xây dựng đường bộ cũng như hạn chế xe cộ chạy xuyên qua hệ thống du lịch đã có. Nguồn: Viện Quy hoạch Quảng Nam.

Kết luận

Một thành phố ven sông Cổ Cò cần phải được xây dựng vì vị thế chiến lược của nó. Thành phố phải là hình mẫu cho phát triển bền vững, phát triển dựa trên sự theo các nguyên lý của Chủ nghĩa Đô thị Mới như: Sử dụng đất hỗn hợp, thân thiện với người đi bộ, phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển với các khu vực lân bang truyền thống (TND) sẽ góp phần hình thành bản sắc của đô thị mới.

Rõ ràng, không có một lời giải dễ dàng cho việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò. Hiện tại, chúng ta rất cần một giải pháp sáng tạo để xây dựng thành phố này. Nếu chính quyền hai địa phương không sớm can thiệp, vận mạng của dòng sông chỉ còn được tính từng ngày. Đừng để con sông huyền thoại Cổ Cỏ chỉ còn trong ca dao tục ngữ như dòng sông Tô Lịch. Ngạn ngữ phương Tây có câu “turn lemon into lemonade” (biến chanh thành nước chanh) – Hàm ý vào thế khó khăn chúng ta lại tìm ra giải pháp sáng tạo.

Tài liệu tham khảo

  • Ban Quản lý Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Truy cập được từ: http://dothimoidndn.com.vn/index.php/component/content/article/29-do-thi-moi-dien-nam-dien-ngoc/269-vi-tri.html
  • Gore, A. and Bromfield, P. 1764. Plan of Turon harbour, on the coast of Cochin China. National Library of France [online] Truy cập được từ: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b5963010m/f1.zoom [Truy cập 27 -03-2017].
  • Le Floch de la Carrière. 1745. Carte d’une partie de la côte de Cochinchine, depuis l’Isle Cham- Collao. National Library of France [online] Truy cập được từ: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b5963009z/f1.zoom [Truy cập 27 -03-2017].
  • Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn 2002. Quy hoạch thành phố Đà Nẵng 2010 tầm nhìn 2010.
  • Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng, 2013. Điều chỉnh chung thành phố Đà Nẵng 2030 tầm nhìn 2050. Truy cập được từ:  http://danangupi.vn/dieu-chinh-quy-hoach-chung-thanh-pho-da-nang-den-nam-2030-va-tam-nhin-den-nam-2050-14929.aspx. [Truy cập 27 -03-2017].
  • Viện Quy hoạch Quảng Nam, 2014. Bộ Xây dựng. Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của thành phố Hội An đến 2020.

TS. Nguyễn Hồng Ngọc & KTS. Dương Văn Hoàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03 – 2017)