Trong khuôn khổ Lễ phát động Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội (do UBND TP Hà Nội, Hội KTS Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cùng Tạp chí Kiến trúc, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE) và UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức ngày 28/10 vừa qua tại Hà Nội), cuộc trò chuyện giữa TS Nguyễn Quang (Giám đốc VP UN – Habitat tại Việt Nam), PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia), Ông Lê Quang Bình (Giám đốc ECUE) và PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) xoay quanh khái niệm nội hàm của không gian sáng tạo đã ít nhiều gợi mở cho giới thiết kế những ý tưởng về những hạng mục thiết kế trong cuộc thi.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện thú vị này!
TS Nguyễn Quang: Chúng ta đều biết Hà Nội đã được ghi danh tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của Unesco. Điều này thể hiện chúng ta đang tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu, đây cũng là bước tiếp nối của Hà Nội – TP vì hòa bình, một tiến trình có sự tham gia thúc đẩy của Liên hợp quốc nhằm phục vụ mục tiêu mới của chúng ta – Mục tiêu phát triển bền vững. Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu thứ 11 chúng tôi đề cập đến là: Thúc đẩy sự phát triển bền vững, an toàn, sự thích ứng cũng như bao trùm cho các khu đô thị và các khu định cư, và mục tiêu thứ 16 và 17 về vấn đề hòa bình và hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh ý này để các bạn có thể thấy trào lưu sáng tạo này của chúng ta mang tính toàn cầu, chúng ta đang góp phần cho sự phát triển bền vững của toàn cầu.
Ở đây, với chủ đề Thiết kế không gian sáng tạo trong TP sáng tạo, tôi xin được đặc biệt giới thiệu 3 chuyên gia: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là Viện trưởng Viện Văn hóa Quốc gia, những nghiên cứu của anh về vấn đề không gian sáng tạo rất chuyên tâm và thú vị; PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường cũng là một đồng nghiệp tôi từng hợp tác rất nhiều năm trong vấn đề nghiên cứu về sự phát triển thúc đẩy không gian sáng tạo các làng nghề – di sản; và anh Lê Quang Bình, một chuyên gia rất tâm huyết với đề tài chuyển đổi không gian nhà máy công nghiệp sang không gian sáng tạo mới. Tôi và các bạn sẽ cùng nhau đặt ra các câu hỏi cho các chuyên gia, để làm rõ hơn những nội hàm của không gian sáng tạo, một trong những yếu tố mang tính thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để Hà Nội xứng tầm là Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
“Không gian sáng tạo – Sản phẩm để trưng bày hay thực sự tạo lập được những giá trị mới?”
TS Nguyễn Quang: Tôi nghĩ câu hỏi đầu tiên tôi xin đặt ra với PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Tôi có tìm kiếm về khái niệm trên Wikipedia nhưng chưa thấy câu trả lời rõ ràng. Xin anh cho biết: Thế nào là không gian sáng tạo? Tại sao chúng ta phải làm không gian sáng tạo và có điều gì khác biệt ở đây?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Phải nói rằng câu hỏi của anh Quang mang những “từ khoá” quan trọng để chúng ta xác định khái niệm về “Không gian sáng tạo”. Chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về tầm quan trọng của không gian sáng tạo đối với sự phát triển văn hóa nói riêng và xã hội nói chung, đối với một đô thị hay thậm chí là đối với một đất nước.
Không gian sáng tạo là khái niệm được phổ biến rộng rãi trong thời gian từ năm 2014 trở lại đây ở Việt Nam. Khái niệm này bắt nguồn từ Công ước năm 2005 của UNESCO – Khuyến khích sự phát triển của văn hóa thông qua việc bảo vệ phát huy các biểu đạt đa dạng văn hóa. Trong công ước này có nhiều nội dung, nhưng người ta nhấn mạnh: Chúng ta cần phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa (hay còn có nhiều tên gọi khác như: Công nghiệp sáng tạo, văn hóa sáng tạo… ). Ở đây, khái niệm “không gian sáng tạo” được hiểu là các địa điểm có thể thực và có thể ảo. Có nghĩa là những cái gì có ở thực tế và cả trên mạng – Đó là những nơi để chia sẻ ý tưởng sáng tạo, tập hợp những cộng đồng sáng tạo để lan tỏa những thông điệp về sáng tạo cho xã hội.
Hiểu một cách ngắn gọi như thế sẽ khiến chúng ta dễ bề hình dung về hai loại hình không gian sáng tạo:
- Một là không gian sáng tạo chia sẻ làm việc chung, tức là ở đó chúng ta có thể có những địa điểm, những nơi để cá nhân hoặc công ty đến chia sẻ ý tưởng sáng tạo từ đó hình thành nên các sản phẩm và dịch vụ mới. Ở Hà Nội chúng ta có khoảng 20 không gian như vậy, người ta gọi là không gian sáng tạo làm việc chung;
- Hai là các không gian sáng tạo giải trí. Chúng ta thường nói đến không gian sáng tạo như là những không gian nghệ thuật như Zone 9, hay các khu của cộng đồng nói tiếng anh như Heritage space hay các không gian khác… là các không gian nghệ thuật, nơi người ta có thể đến và chia sẻ những ý tưởng, sáng tạo những ý tưởng nghệ thuật. Từ các chia sẻ ấy hình thành nên những tác phẩm và các dịch vụ văn hóa nghệ thuật.
Tôi xin nói thêm về tầm quan trọng của sáng tạo. Sáng tạo hay ý tưởng sáng tạo hiện giờ là tài nguyên quan trọng nhất của bất kì quốc gia nào. Sự vận động phát triển các quốc gia trên thế giới cho thấy rằng quốc gia nào tận dụng được sự sáng tạo và ý tưởng sáng tạo thì quốc gia đó càng phát triển. Thực tế điều này diễn ra ở Việt Nam như thế nào? – Người Việt Nam giàu ý tưởng sáng tạo. Cái mà chúng ta thiếu là môi trường và cơ chế để bồi dưỡng khuyến khích những tài năng sáng tạo này. Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu chúng ta có môi trường kích thích sự sáng tạo, có cơ chế giúp đỡ sự sáng tạo thì đất nước chúng ta sẽ rất phát triển.
Đó cũng là lý do tại sao tôi rất vui mừng ủng hộ sáng kiến tổ chức Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo ở Hà Nội – Chỉ khi có được những không gian sáng tạo, chúng ta sẽ có không gian để kích thích, lan tỏa được ý tưởng sáng tạo trong Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Chỉ khi làm được điều này thì mong muốn của chúng ta về việc xây dựng xã hội tốt đẹp, xã hội hạnh phúc mới có thể thành hiện thực được.
TS Nguyễn Quang: Tôi vẫn còn một băn khoăn: Không gian sáng tạo phải chăng là sản phẩm của ý tưởng sáng tạo để trưng bày – Hay đấy thực sự là một không gian để chúng ta trao đổi, hợp tác với nhau và tạo ra những cái xu thế không gian sáng tạo mới? Tôi cũng nói thêm một chút, thực ra điều băn khoăn này bắt nguồn từ quá khứ: Vào thế kỉ thứ 17, khi đế chế Ottoman đang xâm chiếm toàn bộ châu Âu, Vienna lúc bấy giờ có rất nhiều quán cà phê văn hóa, nơi các nhà triết học, nhà văn, nhà trí thức, họa sĩ đến trao đổi ý tưởng và từ những ý tưởng đó tạo ra những trào lưu văn hoá nghệ thuật khác nhau. Không gian sáng tạo xuất hiện vào thời kỳ đó, nhưng bây giờ, chúng ta cũng lại thấy những sản phẩm như Phố bích họa Phùng Hưng, người ta không phải chia sẻ để tạo không gian sáng tạo mà thực ra đó là một sản phẩm của sáng tạo. Vậy theo anh, có thể gọi đấy là không gian sáng tạo không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lại một câu hỏi rất hay và rất khó của anh Quang. Đúng là nếu bây giờ chúng ta quan niệm không gian sáng tạo theo một hình thức nhất định thì bất kì địa điểm nào lan tỏa được thông điệp sáng tạo, nơi mà người ta trao đổi những ý tưởng sáng tạo thì đều có thể được gọi là không gian sáng tạo. Hiểu theo nghĩa rộng thì nó là như vậy. Nếu nhìn từ góc độ này, Phố bích họa Phùng Hưng được gọi là không gian sáng tạo là đúng. Mặt khác, không gian sáng tạo ở một mức độ nào đó còn có tính chất “ảo” – Vì thế, trong giới nghệ sĩ, các anh chị em còn tạo ra các không gian ở trên mạng. Không gian sáng tạo ở đây được coi là nơi có thể bàn thảo, trao đổi những ý tưởng từ bản thảo, tập hợp những người yêu thích sáng tạo, yêu thích văn hóa nghệ thuật để lan toả thông điệp về sáng tạo.
Thực ra bất cứ khái niệm nào cũng có sự thay đổi qua thời gian, khác biệt qua địa điểm. Không gian sáng tạo theo cách nhìn này sẽ tạo ra nơi để cho chúng ta trao đổi, bàn bạc, lan tỏa những thông điệp về sáng tạo. Chúng ta càng có nhiều địa điểm như thế, không gian như thế thì sức mạnh sáng tạo xã hội càng tăng, tạo ra sự hưng phấn trong xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng là xây dựng không gian sáng tạo cũng cần xác định giới hạn thực hay ảo, ban đầu cũng sẽ là những thử nghiệm khiến chúng ta bối rối, băn khoăn, thậm chí hơi chật vật, hoang mang. Nhưng tôi cho rằng sự thử nghiệm đó thực sự là cần thiết.
“Từ nhà máy cũ đến không gian sáng tạo ở Hà Nội – Chuyển đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn!”

TS Nguyễn Quang: Là một người yêu Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên, điều tôi trăn trở nhiều năm chính là sự thay đổi cấu trúc của không gian Hà Nội, đặc biệt là những di sản có từ thời kỳ bao cấp, lúc bấy giờ chỉ tập trung vào mô hình xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với nhà ở mô hình xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển đổi này có trường hợp chuyển đổi công năng nhưng mà vẫn giữ được hình dáng bên ngoài, có những trường hợp thay đổi một phần như Nhà tù Hỏa Lò, hoặc chuyển đổi hoàn toàn như: Nhà máy Trần Hưng Đạo nay đã trở thành Vincom, nhiều nhà máy trở thành các không gian mới. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khu trung tâm Hà Nội có tiềm năng bảo tồn văn hóa rất lớn, cũng đồng nghĩa với việc chịu sức ép thị trường rất lớn. Sự chuyển đổi công năng ấy đã phá hủy rất nhiều giá trị lịch sử, giá trị bảo tồn của khu vực trung tâm Hà Nội. Theo anh, có giải pháp nào vẫn giữ được giá trị bảo tồn mà vẫn đạt được hiệu quả cao về mặt thúc đẩy phát triển kinh tế không?
Lê Quang Bình: Như các bạn đã biết, tôi đến từ Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, tổ chức tập hợp những người dân, các chuyên gia quan tâm đến sự phát triển Hà Nội đáng sống cho tất cả mọi người. Chúng tôi rất vui được đồng hành cùng Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội và Hội KTS Việt Nam tổ chức cuộc thi này. Chúng tôi thực sự quan tâm đến việc làm sao chuyển đổi được các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo. Chúng ta đều sống trong những cái mà chúng tôi gọi là cái hộp: Từ chung cư, văn phòng hay hội trường ngày hôm nay. Vậy để cuộc sống dễ thở hơn, đáng sống hơn thì chúng ta cần những không gian công cộng.
Đầu năm nay, nhóm của chúng tôi – Vì một Hà Nội đáng sống có làm một khảo sát nhỏ, khoảng 500 người, ai cũng công nhận không gian công cộng rất quan trọng với lối sống của con người, và 80% người tham gia đánh giá rằng chúng ta cần nhiều không gian công cộng hơn nữa. Chính vì vậy, nhóm chúng tôi đã đặt câu hỏi: Làm sao mở thêm các không gian công cộng cho Hà Nội? Chúng tôi đã tìm hiểu và biết Hà Nội có chính sách di rời các nhà máy cũ ra khỏi nội đô. Vậy các nhà máy cũ này chúng ta nên làm gì? Chúng tôi đã khảo sát và thấy đa số các nhà máy được di rời ở 2 quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân nay đã thành khu trung tâm thương mại. Thay vì nghĩ nhà máy là rác phải đập đi thì sao chúng ta không nghĩ nhà máy là không gian di sản văn hóa? – Đó thực sự là một phần ký ức của TP. Hà Nội từng là một TP công nghiệp hóa và bây giờ Hà Nội là TP sáng tạo. Nếu như chúng ta giữ lại được các nhà máy di sản công nghiệp, di sản văn hóa thì chúng ta có thể tiếp nối câu chuyện của Hà Nội hôm nay. TP cũng như con người, cần có lịch sử, cần có ký ức.
TS Nguyễn Quang: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều sự thay đổi, không chỉ có Hà Nội mà rất nhiều các thành phố hiện nay. Điều này đặt ra cho các KTS, các nhà thiết kế không gian những thách thức rất lớn về việc làm thế nào chuyển đổi những không gian ấy mà tương lai 10-20 năm nữa nó không phải thay đổi cấu trúc. Theo anh, làm thế nào để đảm bảo được vấn đề bảo tồn, giữ được lịch sử lịch sử, văn hóa cũng như cấu trúc công năng sử dụng của tòa nhà ấy?
Lê Quang Bình: Có lẽ đây cũng là câu hỏi của rất nhiều người. Giá trị thị trường đất đai ở Hà Nội rất lớn và có sự cạnh tranh nhất định giữa các mục đích khác nhau. Trong buổi tọa đàm gần đây, ngày 2/10 vừa qua, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ một thực tế: Để xây dựng Hà Nội sáng tạo, phải kết hợp theo hướng cân bằng lợi ích giữa các bên: Thứ nhất là nhà nước, đóng vai trò quan trọng; thứ 2 các doanh nghiệp tư nhân, họ có vốn, sức sáng tạo và tiềm năng; thứ 3 là cộng đồng, chính là nơi phát sinh ra ý tưởng mới để có thể thực thi. Tôi hi vọng qua những hoạt động như thế này sẽ kết nối 3 bên, hợp tác với nhau để có thể tìm ra được giải pháp chung để cân bằng: Nhu cầu phát triển, nhu cầu sáng tạo và nhu cầu cộng đồng.
“Bài toán khai thác không gian sáng tạo ở các làng nghề – di sản”
TS Nguyễn Quang: Chúng ta đều biết Hà Nội là TP rất năng động, chuyển đổi rất nhanh, không chỉ là TP lịch sử mà còn hội nhập rất mạnh mẽ so với các TP khác trên toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc chuyển đổi các làng nghề truyền thống. Trong báo cáo gửi UNESCO, PGS. TS Bùi Hoài Sơn từng công bố kết quả khảo sát có 1800 làng nghề ở khu vực Hà Nội. Câu hỏi tôi muốn đặt ra với PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường ở đây là: Làm thế nào để khai thác tài sản của làng nghề truyền thống? Làm thế nào để cải thiện được điều kiện hạ tầng điều kiện sống của những người dân ven đô trong khi quá trình đô thị hóa đã càn quét mà không cần tính đến những giá trị văn hóa của cộng đồng nông thôn, nó phá vỡ rất nhiều giá trị cộng đồng lịch sử? Anh có nhận xét gì, sáng kiến gì gợi mở cho những người tham gia cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo với hạng mục bảo tồn các làng nghề di sản?
PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường: Tôi rất vui khi được Ban tổ chức mời tư vấn cho cuộc thi này. Trước hết, tôi thấy đây là tin mừng cho sự phát triển văn hóa Hà Nội. Hơn 20 năm nghiên cứu, tôi nhận ra rằng Hà Nội đang ôm cho mình một di sản văn hóa vô cùng quý giá mà tôi cho rằng hiện nay chưa được khai thác đúng mức để thực sự là lấy văn hóa làm động lực phát triển. Chính vì thế, cuộc thi này chỉ là sự khởi đầu, điều tôi mong muốn là sự quan tâm mạnh hơn nữa đối với vùng ven đô, vùng nông thôn như là một tiềm năng về di sản văn hóa để phát triển kinh tế chứ không phải là lấy đất đai, không phải là mở rộng nông thôn đô thị hóa.
Tôi có thể gợi ý cho các bạn quan tâm đến cuộc thi: Chúng ta có hàng trăm làng nghề xung quanh Hà Nội. Vậy chúng ta hãy cùng với người dân giúp người dân có những thiết kiến mới. Cái bí nhất của người dân các làng nghề là không có sản phẩm thiết kiến mới để thích ứng với thị trường. Làng Bát Tràng chỉ phát triển được khi có các nhà thiết kế về với người dân. Còn hàng trăm các làng nghề xung quanh Hà Nội đang cần các KTS, các nhà thiết kế giúp đỡ để lập không gian sáng tạo hỗ trợ người dân trong cuộc sống hiện đại.
Đến với làng Chuông đan nón, các bạn có thể thấy mọi người ra giếng làng ngồi đan, vừa đan vừa trò chuyện. Chẳng phải đâu xa, đó chính là không gian sáng tạo, không gian văn hóa vô cùng tuyệt vời. Đó cũng là không gian để chúng ta trải nghiệm văn hóa. Có rất nhiều ý tưởng sáng tạo để chúng ta đưa người dân và khách du lịch về với nông thôn, làm sống lại nền kinh tế du lịch và phát triển cả kinh tế nghề từ văn hóa nghề. Tôi rất hi vọng kết quả cuộc thi này mang tình yêu của các bạn trẻ hướng về nông thôn, mang chất xám hướng về nông thôn và phát triển văn hóa đấy thành một giá trị mới cho Hà Nội và đương nhiên cho cả nước.
TS Nguyễn Quang: Xin cảm ơn các chuyên gia và quý độc giả đã cùng theo dõi cuộc trò chuyện này. Như tôi đã nói, đây là một trong những bước khởi đầu, hoạt động đầu tiên của cuộc thi. Tôi và các chuyên gia ở đây sẽ đồng hành cùng Ban tổ chức, cùng các bạn, để có thể khơi gợi những sáng kiến hướng tới hiện thực hoá danh hiệu “TP sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến trên hành trình phát triển bền vững.
Thu Vân -TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 11-2020)