Vai trò của cộng đồng trong kiến tạo và phát triển kiến trúc cảnh quan nông thôn

Khu vực nông thôn thường được nhận diện như “pháo đài” của văn hóa truyền thống, là khu định cư của những người dân chất phác chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, là khu vực ổn định, ít biến động. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng đó là luận điểm lỗi thời – Nông thôn ngày nay đang đứng trước nhiều nguy cơ do sự bất ổn lan rộng trong thời kỳ hậu hiện đại (Halamska, 2012). Nông thôn Việt Nam cũng không đứng ngoài sự biến đổi chung của thế giới.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong dự án (Nguồn ảnh: ABC)

Sau hơn 30 năm, nông thôn Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều đổi thay cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, sử dụng đất đai. Nền kinh tế nông nghiệp – nông thôn Việt Nam đã có rất nhiều sự đổi thay theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nền kinh tế thuần nông bị phá vỡ, cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nền kinh tế nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Xã hội cũng chứng kiến những biến động, bên cạnh mặt tích cực như thu nhập gia đình được cải thiện, mặt tiêu cực là tính cộng đồng bị giảm sút. Đi kèm với đó là sự biến đổi về sử dụng đất, đất nông nghiệp dần thu hẹp cho mục đích phát triển đô thị như xây dựng khu công nghiệp, đường cao tốc, các đô thị, sân golf. Sự thu hẹp diện tích đất canh tác, dòng người di cư nông thôn về các đô thị, tình trạng ly nông, ly hương diễn ra đáng kể, nguồn lao động trôi dạt về thành phố tìm kiếm công ăn việc làm. Hệ quả là bên cạnh việc tiếp thu lối sống công nghiệp, tâm lý hiện đại và văn minh đô thị, do thiếu chọn lọc đã tạo nên những nét tiêu cực về văn hóa. Tất cả những sự thay đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa, sử dụng đất đã đem lại những biến động trong môi trường xây dựng nông thôn: Hàng loạt các công trình công cộng, dịch vụ thương mại được đầu tư xây dựng; một khối lượng lớn nhà ở do dân tự xây dựng cao ba đến bốn tầng xuất hiện ở rất nhiều làng, đất chật người đông cùng nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng mới. Công cuộc xây dựng nông thôn mới chứa đựng những bất cập trong công tác quy hoạch làng xã, kiến trúc nhà ở, nhà công cộng, công tác bảo tồn phát huy di sản kiến trúc cũng như việc quản lý công tác xây dựng… Điều này đòi hỏi rất nhiều các chủ thể chung tay xây dựng nông thôn Việt nam trong phát triển môi trường xây dựng bền vững (TS.KTS.Ngô Doãn Đức, 2015)

Nhằm phát triển môi trường xây dựng bền vững, cộng đồng bền vững, việc xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, không gian kiến trúc cảnh quan hiệu quả sẽ làm gia tăng quan hệ giữa con người với con người, tăng niềm tự hào của người dân địa phương, từ đó nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ giữa con người và nơi chốn. Tuy nhiên, việc thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn dường như vẫn còn bỏ ngỏ trong công tác thiết kế và quy hoạch. Đề án xây dựng nông thôn chủ yếu mới chú trọng về phát triển hạ tầng và phát triển trung tâm hành chính cấp xã; các tiêu chí phát triển không dựa trên các đặc điểm khác nhau về lối sống, phong tục, tập quán; nhận thức và vai trò cộng đồng tham gia trong quá trình xây dựng nông thôn mới của người dân còn hạn chế (TS. KTS.Ngô Doãn Đức, 2015). Các dự án cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan tại nông thôn dựa trên nguồn vốn xã hội hóa chủ yếu copy các dạng thức của đô thị, quá trình đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên quyết định của một nhóm người có vị trí xã hội trong địa phương, thiếu đi sự tư vấn của các nhà chuyên môn. Điều này dẫn đến cảnh quan văn hóa bị suy giảm, rất nhiều không gian công cộng bị xuống cấp trong quá trình vận hành. Bài viết này nhấn mạnh vai trò của người dân địa phương, vai trò KTS, và các tổ chức phi lợi nhuận trong việc tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn từ góc nhìn lý luận và thực tiễn thử nghiệm thành công.

Từ góc nhìn lý luận, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ bền vững của cộng đồng liên quan mật thiết đến các trách nhiệm của từng cá nhân trong việc kiến tạo không gian và xây dựng tương lai của khu vực. Không gian kiến trúc cảnh quan tạo ra để phục vụ con người, nhưng ngược lại cũng tác động lại về xúc cảm, tạo nên mối quan hệ giữa con người với con người. Giải pháp hiệu quả rất khó có thể hình thành và phát triển nếu các cá nhân trong cộng đồng không quan tâm đến cộng đồng. Để hình thành và thúc đẩy trách nhiệm của cá nhân với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, để xây dựng không gian kiến trúc cảnh quan thành công, sự tham gia cộng đồng là rất quan trọng. Quyết định có sự đồng thuận của nhiều người đem lại các mối quan tâm về sở hữu và quản lý, quá trình ra quyết định này giúp mọi người nhìn nhận trách nhiệm và khuyến khích các cá nhân hành động để phát triển cộng đồng (Alexander et al., 1975; Hubner et al., 2005; Sanoff, 2000)

Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng bất cứ chương trình hay chính sách nào để phát triển khu vực bền vững, thiết thực với người dân, cần phải có sự tham gia của thành viên cộng đồng ở mọi bước, từ bước ban đầu đến bước hoàn thiện, đánh giá. Đây là phương thức tiếp cận nhân văn (humanistic approach), phương pháp tiếp cận này được đánh giá cao tại khu vực nông thôn do thu hút được sự quan tâm của người dân. Thực tiễn cho thấy các cách thức tiếp cận khác, bao gồm tiếp cận thông qua giáo dục (educating approach) và tiếp cận thúc đẩy con người (mobilizing approach) đối với người dân nông thôn đã dẫn đến rất nhiều lạm dụng, chứa đựng ý đồ chủ quan của cá nhân. Phương thức tiếp cận nhân văn nên được nhấn mạnh tại cộng đồng nông thôn, nơi các thiết chế xã hội rất chặt chẽ, nơi mối quan hệ xã hội được xây dựng lâu dài và sâu sắc qua nhiều thế hệ (Akhimien, 2017). Điều này cũng đúng trong làng xã Việt nam, nơi tồn tại đặc tính tự trị “phép vua thua lệ làng”, nơi đặc tính “duy tình” rất lớn: “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”.

Vai trò của KTS vượt khỏi công tác thiết kế, lập hồ sơ, thi công và giám sát, họ có thể cung cấp tầm nhìn về các vấn đề liên quan đến dự án và đưa ra các kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên sâu (Day, 2003), họ hiểu được hệ quả của quá trình thiết kế (McCamant, 1994), và nghĩ ra giải pháp về không gian (Day, 2003). Do đó, KTS đóng vai trò đưa ra lời khuyên và hướng dẫn người dân địa phương các giải pháp để cải thiện không gian kiến trúc cảnh quan. Các tổ chức phi lợi nhuận có thể thay thể cộng đồng dân cư, đặt hàng KTS để làm việc tại cộng đồng (Wates và Knevitt, 1987).

Phần dưới đây trình bày một ví dụ tích cực về vai trò và sự tham gia của các bên, đặc biệt là cộng đồng dân cư nói chung trong một dự án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan làng xã tại khu vực nông thôn.

Một số nét chính về dự án “nông nghiệp sạch – TP xanh”

Dự án “Nông nghiệp sạch – Thành phố xanh” được triển khai tại thôn Chử Xá, Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đây là một dự án cộng đồng về phát triển không gian công cộng và kinh tế xã hội địa phương thông qua hoạt động vẽ tranh tường nghệ thuật. Dự án sẽ có 15 bức tranh tường khổ lớn được triển khai tại con đường bao quanh thôn Chử Xá và tại cánh đồng trồng rau của thôn. Những địa điểm vẽ tranh tường là những không gian công cộng nơi các hoạt động chung về văn hoá, xã hội của cộng đồng diễn ra, đồng thời cũng không gian kết nối làng xóm và cánh đồng canh tác nông nghiệp chính.

Sơ đồ miêu tả quá trình tham gia của các bên trong dự án tranh tường tại Chử Xá, Văn Đức (Nguồn: ABC)
Một số hình ảnh của các KTS cũng là ban tổ chức thuộc ABC làm việc với các bên trong dự án(Nguồn ảnh: ABC

Một vài nét chính về địa điểm

Xã Văn Đức nằm ven bờ tả ngạn sông Hồng, phía Đông Nam giáp xã Phụng Công, (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); phía Bắc giáp xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); phía Tây Bắc giáp đường 179 và xã Kim Lan; phía Tây Nam liền kề với sông Hồng. Từ xưa tới nay, nghề chính ở Văn Đức là nghề nông với các cây trồng chủ lực là ngô và rau xanh các loại, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để nâng cao hiệu quả từ nghề nông, xã đã có những chuyển biến trong tổ chức và hoạt động sản xuất nông nghiệp, với sự tập trung phát triển nông nghiệp sạch trong những năm gần đây. Cánh đồng xã Văn Đức hiện là một trong những khu vực trồng rau lớn nhất Hà Nội, với định hương phát triển rau an toàn, rau sạch VIETGAP. Xã Văn Đức là một cộng đồng thuần nông với khoảng 4000 người. Đây là một cộng đồng có sự gắn kết xã hội chặt chẽ với tình làng nghĩa xóm, đồng lòng bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá địa phương.

Các bên tham gia – Quá trình tham gia của cộng đồng dân cư

Các bên tham gia vào dự án này gồm có: Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo cộng đồng – ABC là một tổ chức phi lợi nhuận đồng khởi xướng và tổ chức thực hiện dự án. Đơn vị triển khai tranh vẽ là công ty Mỹ thuật Hồng Liên với các bạn hoạ sĩ trẻ. Đơn vị phối hợp ở địa phương là Đoàn Thanh niên xã Văn Đức và UBND Xã Văn Đức. Đối với cộng đồng dân cư có thể kể đến những người tham gia trực tiếp như trưởng thôn, các gia đình có vẽ tranh tường, và đặc biệt là nhóm các bạn trẻ sinh sống tại Văn Đức. Dự án nhận được tài trợ về kinh phí vẽ cho hoạ sĩ, về sơn lót, sơn màu và màu vẽ từ khối tư nhân (Công ty Du lịch TripAzia, Công ty Sơn Jotun, Công ty Màu 7D).

Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào dự án có thể kể đến sự thuyết phục của chính quyền (Đoàn Thanh niên xã) và tiếp đó là sự đồng thuận của những gia đình có bức tranh tường thực hiện tại tường nhà họ. Thôn đội và Đoàn Thanh Niên cũng chủ động dọn dẹp không gian, cạo rêu mốc trên tường và giúp quét sơn lại những bức tường vẽ tranh. Nội dung các bức tranh tường được quyết định dựa trên những mẫu sơ phác ban đầu của Ban tổ chức sau đó được góp ý, thương lượng và quyết định đồng thuận giữa những người chủ chốt của các bên. Các ý kiến góp ý của chù nhà cũng được ghi nhận và đáp ứng một phần. Xã Văn Đức cũng tạo điều kiện cho các bạn trẻ hoạ sĩ chỗ ăn, ở và các hoạt động sinh hoạt tại địa phương. UBND Xã Văn Đức qua các kênh truyền thông (báo, đài, loa thôn…) và hành chính của họ cũng thực hiện việc tuyên truyền, thông báo về dự án nói chung và các sự kiện tại dự án nói riêng. Các bạn trẻ sinh sống tại địa phương cũng sinh hoạt chung trong một nhóm trên mạng xã hội và cùng nhau quay clip, chụp ảnh giới thiệu về các bức tranh tường để chia sẻ.

Một số hình ảnh tiêu biểu cho thấy sự chuyển biến cảnh quan của những không gian có vẽ tranh tường trong dự án (Nguồn ảnh: ABC)

Vai trò của KTS trong dự án

Người sáng lập tổ chức ABC cũng như những thành viên chủ chốt của tổ chức ABC – ban tổ chức dự án đều chính là những KTS quy hoạch và KTS công trình. Với chuyên môn về không gian kiến trúc cảnh quan về văn hoá xã hội cũng như những hiểu biết về nghệ thuật, họ là người thiết kế các vị trí thực hiện bức tranh tường cũng như là người xây dựng hệ thống ý tưởng của các bức tranh ở giai đoạn ban đầu. Cũng chính họ là người làm việc với các bên từ chính quyền, cộng đồng tới những hoạ sĩ triển khai để chuyển tải ý tưởng thiết kế ban đầu thành hiện thực. Các KTS – Ban tổ chức của dự án trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết sự tham gia của các bên.

Hiệu quả của dự án

Xem xét hiệu quả của dự án qua việc đối chiếu với mục đích được đặt ra bởi đơn vị tổ chức (ABC). Trong Thông cáo báo chí về dự án, ABC nêu lên mong muốn: “… Qua những bức tranh tường về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dự án hi vọng sẽ giúp các cộng đồng dân cư, đặc biệt thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa nông nghiệp, về giá trị kiến trúc cảnh quan của địa phương đồng thời có cách ứng xử tương ứng, trân trọng và văn minh. Với hoạt động vẽ tranh tường trong dự án, dự án cũng hi vọng cộng đồng dân cư và chính quyền cũng sẽ được truyền cảm hứng để tiếp tục làm mới, làm xanh mát – sạch đẹp và phát huy giá trị cho những không gian công cộng địa phương trong tương lai.”

Hiệu quả trực tiếp được của dự án trên phương diện môi trường vật thể là sự thay đổi diện mạo của địa điểm thực hiện dự án – cụ thể là những bức tường, là tuyến đường bao làng nơi có các bức vẽ theo hướng khang trang, tươi vui và hiện đại hơn. Những bức tường lem luốc và rêu mốc, những góc không gian lộn xộn bị bỏ quên cho cỏ mọc, để xe, để dụng cụ sản xuất.. thậm chí là nơi vứt rác đã trở thành những bức tranh tường 3D có giá trị nghệ thuật, và quan trọng hơn là thành những nơi sinh hoạt cộng đồng mở rộng.

Người dân trong thôn, đặc biệt chủ nhân những ngôi nhà có vẽ tranh tường đã chủ động dọn dẹp và có ý thức giữ gìn vệ sinh tại những bức tranh và xung quanh. Có gia đình còn chủ động sửa sang lại khoảng sân, những diện còn lại của mặt đứng ngôi nhà quay ra đường để có được một quang cảnh hài hòa khang trang, phù hợp với bức tranh hơn. Xét trong toàn thể thôn xóm, khi dự án dần được hình thành, được biết đến và được đưa tin bởi truyền thông, bởi du khách trong nước và quốc tế, thì công tác dọn vệ sinh, cải tạo chỉnh trang đường làng ngõ xóm và cả không gian sản xuất (ruộng rau, hoa màu) của toàn thôn cũng được thực hiện thường xuyên và cẩn thận hơn, đặc biệt vào những ngày sự kiện (Lễ khởi động, Lễ bàn giao) và các ngày cuối tuần. Hoạt động chỉnh trang được thực hiện bởi nhiều bên: Đoàn Thanh Niên, công ty môi trường đô thị, các đội trong thôn và cả từng gia đình.

Một khía cạnh khác, sự cởi mở của người dân với không gian thiên nhiên xung quanh, với du khách bên ngoài cộng đồng cũng được phát triển hơn theo thời gian. Trong quá trình thực hiện dự án, người dân luôn đóng vai trò là những khán giả đến theo dõi, bình luận, tương tác với các bạn hoạ sĩ trẻ. Trong nhiều trường hợp cụ thể, ý kiến của người dân đã làm thay đổi nội dung các bức vẽ theo hướng phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế – xã hội, với quan điểm và cảm quan thẩm mỹ của địa phương. Ngược lại, những nội dung mới lạ được thể hiện qua bức tranh cũng được người dân dần chấp nhận sau quá trình trao đổi, thuyết phục của ban tổ chức và chính quyền địa phương (Đoàn Thanh niên). Các cụ già, các bạn nhỏ thể hiện sự quan tâm nhiều nhất tới dự án. Các bạn nhỏ đã được các bạn họa sĩ và tình nguyện viên hướng dẫn vẽ tranh cũng như cùng tương tác với những bức tranh 3D. Khi các bức tranh đã thành hình, hàng ngày, vào những giờ phút nông nhàn, người dân thường ra phía trước ngôi nhà của mình để ngắm tranh và bàn luận về những nét đẹp của tranh, về nghệ thuật.

Điểm đáng ghi nhận nữa là việc những cánh cửa nhà, cánh cổng trong thôn vốn trước đây đóng kín thì nay đã thường xuyên được mở ra. Những bàn trà tuy đơn sơ nhưng đã được nhiều gia đình chuẩn bị trong nhà, ngoài sân để tiếp đón những du khách đến tham quan các bức tranh. Xét về tổng thể không gian công cộng toàn khu vực, không gian các bức tranh tường cũng trở thành địa điểm thứ hai bên cạnh sân đình, sân nhà văn hoá nơi các bạn thanh thiếu niên đến tập những tiết mục văn nghệ và chụp ảnh tương tác. Trên thực tế, người dân cảm thấy thoải mái và được truyền cảm hứng hơn khi có những hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa trước những bức tranh tường – bởi nơi đây đơn thuần là những không gian rất thân thuộc của họ, nay lại đẹp hơn với bộ áo mới. Các du khách trong nước và quốc tế cũng thông qua thông tin từ truyền thông đã đến với Văn Đức như một địa điểm du lịch mới. Sự tương tác của du khách với các bức tranh tường làm cho không gian công cộng trước bức tranh, làm cho đời sống thôn quê tại đây trở nên sinh động hơn trước kia.

Thành tựu tiếp theo của dự án là sự định hình rõ nét hơn vẻ đẹp đặc trưng của địa phương trong nhận thức của người dân và những gắn bó hơn với địa điểm. Hiện nay, người dân đặc biệt là các bạn trẻ cảm thấy rất tự nhiên và thoải mái trong việc tương tác với các bức tranh, chia sẻ những hình ảnh về không gian sống của thôn xóm trên các trang mạng xã hội với niềm tự hào. Mọi người sẵn sàng giới thiệu và kêu gọi bạn bè đến thăm quê nhà của họ hiện tại và trong tương lai. Những điều này cho thấy niềm tự hào về vẻ đẹp của địa phương đã được nhân lên, tính gắn bó với địa điểm, với cộng đồng của người dân đã được củng cố thông qua dự án.

Thay lời kết

Tóm lại, không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn cần kế hoạch tổng thể hướng đến phát triển bền vững về khía cạnh xã hội, trong đó người dân cần được tham gia từ bước ban đầu đến bước đưa ra quyết định, và tham gia vào quá trình vận hành của không gian, với sự trợ giúp của kiến trúc sư và tổ chức phi lợi nhuận. Đây là cách tiếp cận nhân văn nhằm đạt được sự đồng thuận của cộng đồng, đồng thời kích thích tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân trong quá trình sử dụng và vận hành các không gian kiến trúc cảnh quan hiệu quả tại nông thôn Việt Nam

TS. Lê Quỳnh Chi – Ths. Nguyễn Thanh Tú
Bộ môn Quy hoạch – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2020)


Tài liệu tham khảo

  • Akhimien, N.,A.Jwele (hiI2017), Architect’s role in Rural Community Development;
  • Alexander, C., Silverstein, M., Angel, S., Ishikawa, S., Abram, D. (1975).The oregeon experiement. New York: Oxford University Press;
  • Day, C (2003). Cosensus design: Social inclusive process. Oxford: Architectural Press;
  • Halamska M. (2020): Nowa gospodarka wiejska. Socjologiczna konceptualizacja I proba analizy zjawiska s Polsce (in) Rozwoj wsi I rolnictwa w Polsce (ed. A. Rosner). IRWiR PAN, Warszawa, 13038
  • McCamant, K, Durrett,C., Hertzman, E. (1994), Co housing: A contemporary approach to houseding ourselves (2nd ed.). Berkely, CA: Ten Speed Press;
  • Ngô Doãn Đức (2015), Kiến trúc nông thôn với chương trình Xây dựng Nông thôn mới hiện nay, tạp chí kiến trúc số 03-2015
    Sanoff, H. (2000). Community participation methods in design and planning. New York: John Willey & Sons;
  • Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (Art Builts Communities – ABC), (2019), Thông cáo báo chí và Nội dung trên trang Fanpage của tổ chức, 2019;
  • Wates, N., KNevitt, C. (1987). Community architecture: How people area creating their own environment. London: Penguin Books;

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương


hubofxxx.net be the fellow and bone sexy wench so she cannot move after. snapchat xxx blonde hair whitney grace interracial dp.