Bàn về các KTS, đô thị gia người Pháp, thời thuộc địa, các thế hệ đời sau có thể đọc được trong các tác phẩm của họ: sự mẫn cán của viên chức bảo hộ bên cạnh phẩm chất nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nổi bật như ở các vị Bourard, Gardes, Auguste Henri Vildieu (kiêm chức giám đốc Nha công chính Bắc bộ), Hermite, Alfred Fuolhoux, Christian Lichtenfelder, Broyer và Harlay, A. Bussy, Felix Dumail, Ernest Hebrarad (Người đứng đầu Sở Kiến trúc Quy hoạch đô thị Trung ương)…Sinh thời, họ là những người đã thiết kế hầu hết các công trình quan trọng trên đất Việt thuở ấy, với kiểu dáng mặt tiền cổ điển xen lẫn tình tiết art – nouveau hay modern tiền kỳ, kể cả ít nhiều mô thức truyền thống Việt và Á Đông. Một số công trình gây ấn tượng như tác phẩm trang trí sân khấu, phô bày tấn trò đời sang cả quý tộc bên châu Âu.

Sang những năm đầu thế kỷ XX, nhà nước Bảo hộ tăng cường đội ngũ quan chức và chuyên viên kỹ thuật, thay thế cho lớp quân nhân kiêm nhiệm cai trị và công chức cũ. Trong số mới đến có cả những kiến trúc sư, đô thị gia bậc thầy, những học giả bác cổ am tường kiến trúc. Quan trọng là họ thức thời và nhận ra rằng, nếu ứng xử nghiêm túc với nghệ thuật truyền thống và tập quán xây dựng của người Việt, thì từ đó có thể bổ sung cho cơ sở kiến trúc Âu tây sức biểu hiện mới tại xứ thuộc địa.
Rồi qua đi những mặc cảm lạ lẫm ban đầu, dần dà các nhà chuyên nghiệp chiếm được tín nhiệm. Ngoài việc đem nghệ thuật mới đến cho thuộc địa, cũng chính các kiến trúc sư, các nghệ sĩ bậc thầy người Pháp đã thực hiện nhiều nghiên cứu KTS, nền tảng đối với các ngành kiến trúc, mỹ thuật quốc tịch Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ đó gây dựng nên một phần căn bản tri thức nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương.

Chỉ xin nhắc tới hai nhân cách lớn tiêu biểu là Henri Parmentier (1871-1949) và Léopold Michel Cardière (1869-1955):
Parmentier đến với Việt Nam và Đông Dương vào năm 1900, rồi ở lại sống và làm việc cho đến tận ngày mất (tại Phnom Penh, 22/2/1949). Nửa thế kỷ ấy của cả đời người đã được ông dành trọn cho việc bảo tồn nghệ thuật Champa và phục hồi Angkor. Cho đến ngày nay, hậu thế sẽ phải tự hỏi: nếu thiếu những nghiên cứu, những bản vẽ điêu luyện của Parmentier thì công cuộc bảo toàn hai di sản văn hoá nghệ thuật nhân loại là Champa và Angkor sẽ phải hứng chịu khó khăn nhường nào và sai lạc đến đâu? Chưa kể Parmentier còn để lại 10 công trình lỗi lạc về Lịch sử nghệ thuật Đông Dương và Viễn Đông…
Còn Cardière chính là người đã cùng một số trí thức Pháp, sáng lập Hội đô thành hiếu cổ ở Huế vào năm 1913. Tập san của Hội được đánh giá là một trong những tạp chí khoa học có giá trị nhất ở Đông Dương thời đó. Những tư liệu mà Cardière thu thập không phải chỉ là những văn bản, mà chủ yếu là những điều ghi chép trên thực địa. Cho đến nay các lưu trữ về Hội đô thành hiếu cổ vẫn cho thấy đó là hệ thống tư liệu về di sản kiến trúc, nghệ thuật cố đô Huế rất đáng tin cậy. “Cardière đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây từng nghĩ rằng đã hoàn toàn Hán hoá, không có cá tính. Đúng như nhận xét của giáo sư G. Condominas là, một dân tộc đã biết tiếp nhận vô vàn yếu tố Trung Hoa, bị áp đặt hoặc thu nạp một cách tự nguyện để dựng nên một thế giới của riêng mình, và giữ gìn bản sắc độc đáo của mình” (Đào Hùng, lời giới thiệu cho cuốn sách Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống của người Việt của Cardière, Nxb VH-TT 1998, trang 10). Những ghi chép, đo vẽ rất tỉ mỉ của Cardière về mồ mả của người Việt, Đàn Nam Giao Huế, Lăng Gia Long…là những tư liệu văn hoá kiến trúc rất có giá trị.


Đương nhiên trên toàn cảnh nghệ thuật thuộc địa còn phải kể đến nhiều đóng góp to lớn của các trí thức, chuyên gia Viễn đông Bác cổ, KTS, nghệ sĩ người Âu từng hành nghề tại nơi này. Họ là những người có công đầu làm phát lộ ý nghĩa nền tảng của văn hóa nghệ thuật Đông Dương, ngay giữa thời buổi chuyển mình của nó.
Tiếp bước các KTS, đô thị gia Pháp là một số tài năng trẻ – những người ra ràng từ trường Mỹ thuật Đông Dương hoặc du học về, mà ngày nay được vinh danh là Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên. Chính họ đã có đóng góp quan trọng và hoàn thiện đường hướng giao lưu nghệ thuật Việt – Âu. Trong tác phẩm của họ không hiếm mảng miếng kiến trúc, tạo hình, trang trí chiết trung rất “ngọt” và hàm súc cảm hứng dân tộc. Rồi lùi thời gian về trước nữa, cuối TK XIX – đầu TK XX, còn bắt gặp một số nhà thiết kế xuất sắc như Nguyễn Trường Tộ, Trần Lục (Trần Chiêm), ông Đốc Thân và không ít đại xảo thủ, họa sĩ trang trí tài hoa, mà tên tuổi của họ sớm nổi lên trước các nhà chuyên môn thuộc địa.
Cứ trông vào tác phẩm may mắn còn lại đến ngày nay do các bậc thầy kiến trúc Cận – Hiện đại vẽ kiểu, ai cũng nhận thấy họ đã lao động nhiều, cống hiến nhiều. Những công trình của họ, nếu không để đời thì cũng bộc lộ rõ hoàn cảnh sáng tác. Hậu thế rất cần phải xem xét, học hỏi.
Cần nói, giữa thời buổi ấy tại các đô thị Việt Nam vẫn hiện diện không ít bản doanh, biệt thự – pháo đài, trại lính kiểu dáng thiết kế theo lối thực dụng thực dân hồi thế kỷ XVIII. Khi nhận ra điều bất ổn đó, các KTS Pháp cũng không dễ thay đổi thói quen thiết kế của mình. Nhưng có lẽ thành kiến đối với văn hóa bản địa hay thâm ý “khai hóa” là nguyên nhân chính dẫn đến hình thức lạc lõng của chúng trong môi cảnh đô thị lịch sử Việt Nam. Ít nhất cho đến ngày người Pháp triển khai một số quy hoạch chững chạc, chuyển tiếp, tiệm biến phong cách Việt – Âu tại những tuyến đường, ô phố chiết trung hồi đầu thế kỷ XX…
Đến đây không thể không nói tới Nhà nước thuộc địa – thiết chế từng làm mưa làm gió trên quê hương các dân tộc Đông Dương. Đồng thời ròng rã non một thế kỷ, cũng bởi tại thiết chế ấy người nước Việt phải gánh chịu biết bao hệ lụy. Ngẫm ra, kể từ ngày tên lính Pháp đầu tiên đặt chân lên Việt Nam cho đến ngày quân đội viễn chinh Pháp rời khỏi đất nước này, hiếm thấy thiện ý khai hoá hay nghệ thuật nào vượt qua mục tiêu thực dân.
Có thể mượn lời Thái Bá Vân (1934 – 1999), như một cách giải thích: “Lịch sử Mỹ thuật cổ Việt Nam có thể gọi là một lịch sử không có tên người. Cho đến cuối thế kỷ XIX, ta mới chỉ nhắc được tên một người tạc tượng đời Lê, hai kiến trúc sư thế kỷ XV và ba bốn người thợ gốm thời Mạc (thực tế nhiều hơn – ĐKT) thì danh mục các họa sĩ (và kiến trúc sư) trường Mỹ thuật Đông Dương đã là danh mục thứ nhất, có ý thức của Lịch sử nghệ thuật nước nhà…Đó là một cuộc tiếp xúc áp đặt. Dù nó có nới rộng thêm đường thẩm mỹ rộng rãi và thích nghi hơn cho nghệ thuật dân tộc, thì nó cũng đã đến sau những họng súng xâm lược.” (Tiếp xúc với Nghệ thuật; Viện MT ấn hành 1998, tr. 66).
Những nhận xét thịnh tình lâu nay (và cả sau này) về kiến trúc thuộc địa hay cái gọi là kiến trúc Pháp đa phần thành thực. Hiềm rằng, có lúc người ta xao lãng một sự thật là trong đó có cả công trình không kém phần xuất sắc do người Việt tự thiết kế xây dựng, tô điểm. Thôi thì, cứ xem thịnh tình ấy như một nết thuần phong: luôn sẵn lòng cảm tạ người – những người Pháp, đã bày vẽ cho ta con chữ ngón nghề. Nhưng làm sao quên được, muôn sự tốt đẹp ấy luôn kèm theo cái giá quá cay đắng và đau đớn: gần trăm năm sưu cao thuế nặng, cùng muôn vạn đầu rơi máu chảy của cả một quốc gia dân tộc.
Trong lịch sử kiến trúc nổi lên không ít sự kiện tiêu cực.
Ngược thời gian, trở lại Gia Định. Năm 1859, tháng 3 ngày 8 – ngày mà đô đốc Rigault de Genouilly ra lệnh đốt sạch Phụng thành. Những gì không đốt cháy được như pháo đài kiên cố, dinh thự và tường thành thì giặc Pháp cho nổ tung bằng 32 khối mìn cùng với 85 tấn thuốc súng. Sau vì việc ấy, nước Pháp cho dựng tượng (đẹp, mẫu mực cổ điển) vị đô đốc hung tàn của mình ngay giữa Sài Gòn. Những kiến trúc truyền thống Việt danh tiếng bị quân Pháp hủy hoại thì mọi người biết cả. Và thời nay, ít nhất trong danh mục Di sản kiến trúc Thế giới sẽ có thêm cái tên Phụng thành, nếu như nó không bị xoá sổ vĩnh viễn từ 150 năm trước.
Hồi kinh đô Huế thất thủ (1895) tướng Pháp Prudhome đã cho lính chiếm tất hai quần thể Bảo Định và cung Khánh Ninh làm đồn trú, gây ô uế và phá phách mặc sức…Rồi hai lần hạ thành Hà Nội là hai lần quân Pháp vào ngự tại điện Kính Thiên, để rồi ăn ở luôn tại đất này 8 thập kỷ. Năm 1889, cùng với việc phá thành Thăng Long chúng đã san bằng cả núi Khán Sơn lẫn Khán Sơn Đình nổi tiếng…Kể cả chuyện (chuyện nhỏ!) đám lính Tây ở Sài Gòn khắc bia mộ cho gã trung úy chết trận lên mặt bi ký mà vua Tự Đức ban biếu ông ngoại. Có thể đó chỉ là thói thường võ biền vô đạo, chứ còn để giáng cho kỷ cương nước Việt đòn chí mạng thì phải nhờ đến bàn tay chóp bu Bảo hộ. Ví như năm 1902, lấy cớ cần xây dựng viện Cơ Mật, khâm sứ Trung kỳ Jean Calixte Alexis Auvergne cho triệt giải toàn bộ chùa Giác Hoàng. Chùa này dựng 1839, từng được vua Thiệu Trị xếp vào số 20 thắng cảnh hàng đầu của đất Thần kinh. Không lẽ bấy giờ, quan Khâm sứ không tìm đâu ra địa cuộc như đám đất chùa Giác Hoàng?
Tạm gác chuyện đất cát ác ý Thực dân sang một bên, hậu thế phải thừa nhận viện Cơ Mật tam toà tỏ ra khá “phải đạo” với nghệ thuật cung đình Huế. Đành rằng, nó ra đời là theo sáng kiến của quan Khâm sứ Pháp tại Huế, ông chủ thực sự của điện Thái Hoà ngày ấy. Nhưng bằng thủ pháp mềm mỏng, nhà thiết kế đã đệ trình một tác phẩm trung dung, ổn thoả trong môi cảnh cung đình Huế. Kiểu dáng viện Cơ mật như một gợi ý thiết thực cho cung Bảo Định, hay khối trung tâm của lăng Khải Định xây dựng sau này. Và, cả ba công trình ấy đều được liệt vào hàng xuất sắc của kiến trúc Việt Nam cận đại.
Trong cái lý nghệ thuật mới, nét nổi bật của kiến trúc đô thị thuộc địa là ở sự áp đặt, phô trương không gian chính trị – văn hoá. Đúng ra là thứ “văn hoá chính trị” nhập từ Pháp quốc. Xin viện dẫn một tài liệu (thư hoặc báo cáo gì đó) do giám mục Puginier gửi về Pháp quãng giữa năm 1885. Tài liệu có đoạn: “Từ lâu, tôi (Puginier) chủ trương dạy và dùng chữ Châu Âu để viết tiếng An Nam…Trong vài năm sau, cần bắt buộc mọi giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ Nho như trước nữa, phải viết bằng tiếng trong nước…Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xoá đi của nước Trung Hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An Nam. Và, phe trí thức An Nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần…Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn. Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế, ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi sau bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông.” (Bùi Kha, bài Alexandre de Rhodes – Công và Tội, báo Hồn Việt tại Tp HCM, Số tháng 11/2008).
Nhân chuyện này vỡ lẽ thêm, vì đâu giữa lúc bộn bề mục vụ, trong năm 1873 Puginier không quản khó nhọc vào nam ra bắc, chuẩn bị tiền trạm cho quân Pháp đánh thành Hà Nội. Lại nhớ, việc phá thành Hà Nội diễn ra vào năm 1889, thế nhưng ngay từ năm 1881, thực dân Pháp đã ép Kinh lược sứ Nguyễn Hữu Độ phá huỷ chùa Báo Thiên, để lấy đất chùa xây nhà thờ Lớn đúng như theo thiết kế của Puginier. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi biết, bấy giờ đất trống ở phường Báo Thiên và ngay quanh đấy còn nhiều. Trưng dụng, chuyển nhượng bao nhiêu tuỳ ý. Cớ sao người Pháp khăng khăng xây Nhà thờ lớn Hà Nội vinh danh Thánh quan thầy của toàn Giáo hội Việt Nam, ngay trên phần đất chùa Báo Thiên. Tạm suy đoán, theo quan điểm của nhà cầm quyền Thực dân thì sau hơn 800 năm giữ vị thế kiến trúc tôn giáo hàng đầu của Thăng Long – Hà Nội, chùa Báo Thiên không được phép tồn tại nữa? Nói thế thôi, chuyện vô tình thì sao?
Về phần mình, nhà thờ lớn Hà Nội mô phỏng Đức bà Paris. Nhưng trừ hai tháp chuông, các phân vị đứng và ngang và vẻ cổ sơ gothic của công trình này lại tỏ ra gần gũi với nhà thờ Reims và Amiens (Somme). Có thể vì cả ba hình mẫu ấy biểu trưng cho sự tự tôn của Hội Thừa sai Paris, mà quan trọng là chúng được xây dựng trong thời kỳ Giáo hội Khải hoàn, sau hơn một trăm năm phát động Thập tự chinh. Trong khi, vào thời điểm xây dựng nhà thờ lớn Hà Nội thì ngay tại Paris và toàn nước Pháp, đối với nghệ thuật Thiên chúa, người Pháp chỉ theo đuổi mẫu mã Chiết trung (Eclecticism; không nhiều) và Chấn hưng gothic (Revival of gothic architecture; đa phần). Liệu có phải thêm một tình cờ nữa?
Và rồi đến 1906, khi phủ Toàn quyền xuất hiện sát nách điện Kính Thiên của thành Thăng Long, thì nhìn vào địa đồ, người nước Nam thảng thốt nhận ra: trục đạo Phủ Toàn quyền – nhà thờ Lớn song trùng với trục đạo điện Kính Thiên – chùa Báo Thiên lịch sử. Lại nữa, hai chục năm sau, khi Hà Nội đã trở thành thủ phủ Đông Dương hai năm rõ mười, người Pháp mới chính thức quy hoạch trung tâm chính trị của thành phố này. Mà, “một phần lớn qui hoạch chủ đạo năm 1924 của Hà Nội là dành cho khu vực dinh Toàn quyền, bắt đầu từ phía Hồ Tây”. Và tên gọi quảng trường chính nhằm đích danh…linh mục Puginier. Chẳng khác chi một cái kết phải đạo của câu chuyện 50 năm về trước! Thiết tưởng, đó phải là một tên tuổi vị Toàn quyền nào đó, từng lập nhiều công trạng dâng hiến Bộ thuộc địa Pháp? Đến đây, cái vô tình hay hữu ý ấy cho thấy sự hài lòng của Pháp quốc lần nữa dành cho linh mục Puiginier. Núi khán sơn đã bị san thành bình địa, một vườn hoa được xây dựng, tạo thành một quảng trường rộng lớn, tên là Vườn hoa Pugininer (Le parc Pugininer). Chắc nước Pháp cho rằng: vị linh mục này xứng đáng nổi bật, vượt lên trên hết các quan chức Bảo hộ trong lịch sử cuộc Thánh chiến nhằm vào Việt Nam và Đông Dương. Mà thực chất, do Chính phủ Cộng hoà Pháp phát động chứ không phải Hội Thừa sai Paris. Quả tình không ai có thể bác bỏ sự uyên thâm mỹ học của các nhà thiết kế kiến trúc đô thị thuộc địa.
Không rõ lời phát biểu “Hà Nội là một Paris thu nhỏ” từ đâu ra? Chẳng lẽ từ ai đó nghe thủng kế sách “lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ” của Puginier, rồi luận ra chăng? Kể về phố xá thì ý ấy chả mấy ăn nhập. Nhưng đồ rằng, ngay từ những thiết kế đầu tiên các kiến trúc sư và đô thị gia người Pháp đã có cương lĩnh hẳn hoi. Đó là (lại thêm ví dụ nữa) tuyến Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Cột Cờ, tuy không to rộng như các phố chính ở đô thị châu Âu nhưng lại có thể gánh vác sứ mạng tương tự như đại lộ Champs-Élysées của một Paris thu nhỏ là Hà Nội. Và quả thật, ít nhất cho đến giữa thế kỷ XX tuyến trục ấy đã cùng các phố song song hay cắt ngang nó làm nên một hệ thống cấu trúc, khả dĩ đề dẫn cho những thay đổi diện mạo tại các khu vực đậm đặc thành phần kiến trúc đô thị lịch sử độc nhất vô nhị của Hà Nội. Cả khu vực hồ Hoàn Kiếm lẫn khu Đông và Đông – Nam Hà Nội; cả khu phía Tây, Tây – Bắc lẫn bắc hoàng thành Thăng Long thuở nào…
Còn như các “quy hoạch” khác thì sau này người Việt mới hiểu ra dần. Đó là, Khoản ước (1885) chính thức thừa nhận Hà Nội là thành phố thuộc địa (trong khi Bắc kỳ về lý vẫn là xứ Bảo hộ) quả là sự kín kẽ “ngoại giao” của thực dân Pháp. Nhằm, sau này mặc sức xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, điều động quân lực viễn chinh, đặt tổng hành dinh, sở chỉ huy tại bất kỳ nơi nào trên đất Bắc, mà điểm đến đầu tiên là Hà Nội – thủ phủ toàn Đông Dương.
Trên đây là ít câu chuyện chèo lái zích zắc của nhà cầm quyền Bảo hộ đối với công cuộc xây dựng tại Hà Nội. Chứ ở Sài Gòn, họ đâu cần khách sáo mà bệ luôn kiểu dáng toà thị chính Paris cho dinh Xã Tây (toà Đốc Lý, khánh thành 1909). Lại còn tô vẽ đậm đà các đức thánh nhân thần gốc Tây ở đó: Chính giữa mặt tiền là trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe, tiêu biểu cho mẫu quốc, hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức hai bên thì tiêu biểu cho nước Pháp mang gươm đi chinh phục thuộc địa…
Các nhà chuyên môn Pháp vẽ ra dinh Xã Tây cũng như nhiều công trình khác tương tự đâu phải do bút pháp sở trường. Vì trước dinh Xã Tây nửa thế kỷ, ở cảng Nhà Rồng (xây dựng 1863-1867, cũng ngay tại Sài Gòn) họ đã phần chỗ không đến nỗi nào cho nghệ thuật bản địa. Phải chăng bởi tại khi ấy, đại quân viễn chinh Pháp mới tiến được tới chặng nam đèo Hải Vân? Và cũng phải chăng kiến trúc cảng Nhà Rồng của người Pháp như một lời bố cáo, rằng họ đem quân sang Việt Nam là theo lời mời gọi của vua Gia Long? Mà như sau này có người vận ý ấy bằng cách chiết tự tên gọi “Nhà Rồng”, tuy gượng và phạm huý. Cho dù đúng sai thế nào, nhưng ít nhất ở các kiến trúc người Pháp thiết kế xây dựng trên đất Việt Nam một phần tư thế kỷ sau đấy, hậu thế không thấy họ vân thơ gì đến nghệ thuật bản địa.
Đại thể, kiến trúc thuộc địa Pháp tôn sư trọng đạo lắm! Có điều, cả “sư” và “đạo” phải mang quốc tịch Pháp. Nói đúng ra, những thành quả xâm chiếm thuộc địa đã tạo lập điều kiện lý tưởng để chấn hưng Chủ nghĩa cổ điển trên đất Đông Dương, mà thiết kế phủ Toàn quyền tại Hà Nội là một hình ảnh chí lý bên cạnh nhiều hình ảnh chí lý khác nữa…Chẳng hạn hai thập kỷ sau, người ta lại thấy cái chí lý ấy xuất hiện rất ngoạn mục trên đất Lạng Sơn. Đó là dinh quan khâm sứ của tỉnh này, mà thoạt nhìn đã thấy hai khải hoàn môn chồng lên nhau làm thành khối trung tâm rất chững chạc và đầy tự tin. Thực ra cái chững chạc ấy đã được khẳng định từ Hoà ước Thiên Tân 1885 rồi, nhưng phải qua mấy thập kỷ các nhà thiết kế Pháp mới có điều kiện thể hiện ra bằng kiến trúc. Để ý và so sánh với các toà công quyền ở nhiều tỉnh thành khác, thì riêng về thể hiện biểu trưng dinh công sứ Lạng Sơn xứng đáng đứng hàng đầu trong số các công trình cùng loại thời Pháp thuộc…
Cũng nên nhắc đến một hiện tượng. Một số người Pháp hoặc kiều dân Âu khi muốn dựng cơ ngơi của mình trên đất thuộc địa, liền khuyến cáo nhà thiết kế vẽ na ná hay sao chép kiểu dáng nhà cửa nơi quê hương xứ sở. Hy vọng nhờ đó thoả mãn tình cảm, trong những năm tháng xa cách châu Âu. Có thể nhận thấy nhiều khi mảng miếng kiến trúc thuộc địa bộc lộ cái đặc sắc và rất riêng của nghệ thuật vùng miền Âu tây nào đó. Từ cuối những năm 1930 trở đi, đám người Âu có xu hướng đặt hàng thiết kế kiểu dáng art-nouveau, art-deco, modern hoặc duy lý gì đấy, vốn đại trà ở nước họ từ mươi mười lăm năm về trước…
Điều sau rốt, bấy lâu người ta quen gọi gộp kiến trúc thuộc địa, nghệ thuật Đông Dương và cả những công trình kiểu dáng mô đéc hồi nửa đầu TK XX trên đất Việt bằng một cái tên chung: Kiến trúc Pháp. Chẳng qua đó là nói theo nhận diện hình thức, chưa kể không ít trường hợp trông gà hóa quốc. Trong khi bản thân người Pháp không và không bao giờ mệnh danh nền kiến trúc danh giá của họ, với bao nhiêu basilica, vòm xây cuốn liên hoàn, đầu cột các kiểu, fronton, mái đua, phào chỉ, điêu khắc trang trí mỹ miều ngồn ngộn những đẹp đẽ xuất xứ từ La Mã là…kiến trúc La Mã!
Cho đến nay, những ai oán trăm năm Bảo hộ dần dà lắng lại. Và cũng đã lắng lại, cả bản tụng ca kiến trúc đô thị biên soạn từ đầu thế kỷ trước. Trong cái lý của nghệ thuật thuộc địa thuở nào như còn đó những pho giáo khoa thiết kế đầy đặn và rất căn bản. Nhất là cái lẽ sáng tạo, sự chỉ dẫn xã hội học bao giờ cũng cập nhật.
Đương nhiên người có cảm xúc, có tâm vẫn dễ dàng bày tỏ nhiệt thành trước hàng trăm công trình, quần thể kiến trúc Thuộc địa, mà nay đã trở thành di sản khắp chợ cùng quê. Vì còn đó các giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận của chúng, trong tiếng vọng về của Lịch sử kiến trúc. Chẳng hề lẫn lộn điều tiếng vuốt ve hay ác khẩu. Biết đâu, tiếng vọng ấy có thể chia sẻ cùng ai đó, người ham tán tụng cái gọi là kiến trúc Pháp tại Việt Nam theo lối tâm huyết mỹ thuật Paris. Hoặc giả quá đi, dốc nghề riêng ăn đời ở kiếp với kiến trúc thuộc địa.
KTS Đoàn Khắc Tình