Nâng cao năng lực quản lý Đô thị – Xây dựng Thành phố Pleiku bền vững và bản sắc

Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế – xã hội giữa các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và các tỉnh Duyên hải miền Trung, và là một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ đầu mối giao thông của vùng Tây Nguyên có Quốc lộ 14 và Quốc lộ 19 đi qua; Là một trong những cửa ngõ giao thông liên hệ giữa các nước Đông Dương với vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ (đường xuyên Á) và nằm trong tam giác phát triển các tỉnh biên giới 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia.

A1124-tckt-004Thành phố Pleiku có tổng diện tích tự nhiên 26.199,34 ha với dân số toàn đô thị 227.740 người, có 14 phường nội thành và 9 xã, trong đó đồng bào Kinh chiếm đa số (87,5%) còn lại là đồng bào các dân tộc mà chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar (12,5%); Thành phố Pleiku đang có những bước phát triển khá trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là quá trình đô thị hóa. Bởi vậy, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo nên những đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa là nhu cầu bức thiết.Nhìn lại chặng đường đô thị hoá gần 20 năm qua kể từ khi Pleiku được công nhận là đô thị loại III vào năm 1998, thành phố Pleiku đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xây dựng và phát triển đô thị, bộ mặt thành phố đã có những thay đổi rõ rệt, nhiều tuyến đường, khu phố sầm uất đã được định hình, chất lượng cuộc sống người dân được không ngừng nâng lên. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và phát triển đô thị.

Một số tồn tại, bất cập, hạn chế về quản lý và phát triển đô thị PleikuA1124-tckt-001

  • Công tác lập quy hoạch đô thị chưa đạt được các yêu cầu đề ra, tỷ lệ diện tích được quy hoạch trên tổng diện tích thành phố còn ít (chỉ chiếm khoảng 12% diện tích đất toàn thành phố), quy hoạch chi tiết khu dân cư, thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hệ thống cơ sở hạ kỹ thuật đô thị còn thiếu chưa dẫn đến công tác xây dựng tại một số khu vực vẫn còn mang tính tự phát; Chất lượng một số đồ án quy hoạch đã có chưa mang tính bền vững, số liệu và thông tin thực trạng chủ yếu mang tính chất thống kê, thiếu phân tích, đánh giá hoặc dự báo chưa chính xác; Việc triển khai công tác quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết) chưa được đồng bộ, chất lượng và tính khả thi còn hạn chế, tầm nhìn ngắn ảnh hưởng đến công tác đầu tư hệ thống công trình hạ tầng đô thị;
  • Năng lực quản lý đô thị của cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý đô thị vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các đơn vị xã, phường nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ năng về quản lý đô thị, nên còn lúng túng trong công tác xử lý khi xảy ra sai phạm.
  • Năng lực thực hiện của đơn vị trực tiếp triển khai các dịch vụ công và phối hợp trong công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn là công ty TNHH MTV Công trình đô thị Gia Lai vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
  • Nhận thức của một số bộ phận người dân về đô thị còn hạn chế.

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, công tác quản lý và phát triển đô thị đã được các cấp, các ngành của thành phố nhìn nhận ở tầm nhìn mới trong tổng thể phát triển đô thị Pleiku. Để Pleiku phát triển một cách bền vững và bản sắc, Thành phố tập trung một số nhiệm vụ cơ bản được phê duyệt trong QH chung TP giai đoạn 2030-2050.

Một số nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý đô thị đang áp dụng tại thành phố Pleiku

Nhóm giải pháp 1: Từng bước xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý là công cụ để thực hiện việc quản lý xây dựng phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại – quản lý xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch.

  • Sau khi quy hoạch xây dựng chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được UBND Tỉnh phê duyệt; Thành phố tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết; quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch khác; bên cạnh đó song song hoàn chỉnh các quy chế, quy định quản lý quy hoạch – kiến trúc để làm cơ sở xây dựng và quản lý đô thị theo quy hoạch.

  • Xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

A1124-tckt-002Nhóm giải pháp 2: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thành phố; nâng cao trình độ của cán bộ thực hiện công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị.

  • Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền, toàn bộ các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân thành phố tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chung tay xây dựng đầu tư, chỉnh trang hệ thống hạ tầng đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/8/2011 của Thành ủy Pleiku.
  • Tăng cường tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, thấy được sự cần thiết, quan trọng của công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cũng như quản lý đô thị nhằm huy động mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, giám sát hoạt động xây dựng cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị.
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý từ Thành phố đến xã, phường có đủ năng lực quản lý đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức trong công tác triển khai quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng trên địa bàn; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của địa phương, thủ trưởng các đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xây dựng
  • Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý đô thị; Quản lý, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đô thị.

Nhóm giải pháp 3: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong xây dựng và quản lý xây dựng, phát triển đô thị.

  • Khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong thi công xây dựng các công trình; xử lý các vấn đề hạ tầng kỹ thuật như xử lý rác thải, nước thải…; xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, tiện ích phục vụ nâng cao đời sống của người dân đô thị theo hướng văn minh hiện đại; trong quản lý đô thị như: Quản lý hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông, môi trường…
  • Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đô thị tạo sự đồng bộ chung trong quản lý môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Nhóm giải pháp 4: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

  • Tập trung vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng đô thị khung và đầu mối, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc; Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối hạ tầng đô thị với các khu vực xung quanh.
  • Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn vốn vào các công trình trọng điểm, các công trình tạo phúc lợi, an sinh xã hội cao như kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ, đào tạo lao động và chuyển giao kỹ năng, công nghệ cao.

A1124-tckt-003Để xây dựng thành phố Pleiku phát triển bền vững và bản sắc, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai cùng sự phối hợp của các Sở chuyên ngành của tỉnh, Thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể kêu gọi, thu hút đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án đầu tư và cải tạo chỉnh trang đô thị, kết hợp với nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị tại địa phương. Với sự quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân thành phố Pleiku, tin tưởng rằng trong tương lai không xa, thành phố Pleiku sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Xem thêm: Ông Võ Ngọc Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai “Khai thác hiệu quả các nguồn lực để Gia Lai phát triển bền vững”

Trần Xuân Quang
Chủ tịch UBND Thành phố Pleiku

(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 6/2016)