Vai trò của không gian xanh trong việc hình thành gắn bó nới chốn

“Gắn bó nơi chốn” (place attachment) là sự gắn bó về mặt cảm xúc của con người với một không gian cụ thể, nơi họ cảm thấy thuộc về và luôn khao khát được trở về. Yếu tố cảm xúc đó gắn kết mối quan hệ giữa con người và môi trường sống, là động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không gian xanh trong đô thị là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng “gắn bó nơi chốn”. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của đô thị hiện đại khiến không gian xanh đã khan hiếm nay còn bị cắt gọn và thay thế.

Công viên trung tâm tại New York (Nguồn: New York Post)

Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, sự hiện hữu của không gian xanh ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng và bền vững của đô thị. Về mặt khái niệm, không gian xanh đô thị (urban green space) là một thành phần của hạ tầng xanh đô thị, bao gồm tất cả các không gian được phủ xanh, không phân biệt kích thước và chức năng, và cả các không gian mặt nước như ao, hồ, suối (WHO, 2016). Tại Việt Nam, không gian xanh được xác định là “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị” (theo thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng) hay “cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa” (Nghị định 64/2010, Nghị quyết 1210/2016/NQ-UBTVQH, 4449/1987/TCVN). Mặc dù chưa có sự thống nhất cụ thể và rõ ràng về khái niệm, tầm quan trọng của không gian xanh đối với môi trường đô thị luôn được quan tâm. Tuy nhiên, không gian xanh còn một vai trò khác, thường ít được nhắc đến – Đó là khả năng xây dựng “gắn bó nơi chốn”.

Ý nghĩa của “gắn bó nơi chốn”

Nghiên cứu về “nơi chốn” và “gắn bó nơi chốn” đã có từ những năm 1970, chủ yếu đến từ các nhà tâm lý học. Trong những năm gần đây, đề tài này ngày càng thu hút được sự quan tâm từ giới nghiên cứu về quy hoạch và đô thị. Lí do trực tiếp đến từ xu hướng toàn cầu hóa, và hệ quả tất yếu của nó là sự chuyển dịch đô thị theo hướng đồng nhất ngày càng tăng cùng với sự đánh mất bản sắc và đặc trưng văn hóa của nhiều vùng trên thế giới.

“Gắn bó nơi chốn” lần đầu tiên được đề cập bởi John Kasarda và Morris Janowitz vào năm 1974, như một mối ràng buộc về cảm xúc giữa con người với môi trường xung quanh. “Nơi chốn” có thể là một địa điểm hay một không gian với nhiều lớp ý nghĩa mà chính con người xây dựng và gán cho nó (Altman và Low, 1992). Dựa trên những trải nghiệm và tương tác liên tục, các lớp ý nghĩa mới có thể được hình thành, củng cố thêm sự liên kết giữa con người với không gian, và biến chúng thành “nơi chốn”.

“Gắn bó nơi chốn” thường được xác định bởi hai yếu tố, “phụ thuộc nơi chốn” (place dependence) và “bản sắc nơi chốn” (place identity). Trong đó, “phụ thuộc nơi chốn” ám chỉ ý nghĩa đơn thuần về mặt chức năng của không gian. Ví dụ nhà là nơi để ở, trường lớp là nơi dạy và học, hay cơ quan, công sở là nơi làm việc. Sự phụ thuộc về mặt công năng góp phần vào sự gắn kết giữa con người với không gian, tuy nhiên sự phụ thuộc này có thể dễ dàng bị thay thế khi xuất hiện những điểm đến khác với cùng chức năng nhưng có chất lượng hay dịch vụ tốt hơn (Williams và Vaske, 2003). “Bản sắc nơi chốn” lại thể hiện sự kết nối ở tầng lớp sâu hơn – đó là liên kết mang tính “biểu tượng” giữa mỗi cá nhân với một không gian cụ thể (Proshansky, 1978). Chúng ta có xu hướng gắn bó hơn với một địa điểm khi đó là nơi ta đồng cảm với những giá trị chung (nhưng riêng biệt) của cộng đồng ta chung sống, và có thể thoải mái bộc lộ sự khác biệt của bản thân (self-identity) với mọi người xung quanh (Kyle và cộng sự, 2005). Đôi khi, “bản sắc nơi chốn” được hình thành mà không đòi hỏi sự tương tác trực tiếp giữa con người với không gian. Ví dụ, ta thường có cảm giác thân thuộc với nơi ông cha mình được sinh ra dù chưa một lần đặt chân tới.

Sự hình thành “gắn bó nơi chốn” là điều cần thiết nhưng thường bị đặt sau các ưu tiên khác về kinh tế trong quá trình phát triển đô thị. Cộng đồng với sự “gắn bó nơi chốn” ở mức độ cao sẽ đem lại hiệu quả trong công tác an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Với người dân, “gắn bó nơi chốn” còn đem đến nhiều ý nghĩa tích cực về sức khỏe, tinh thần, mức độ hài lòng với môi trường sống và kết nối với cộng đồng. Chính những lợi ích này lại trở thành nguồn lực để phát huy tính sáng tạo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đô thị một cách bền vững.

Người dân Hà Nội tập thể dục buổi sáng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Nguồn: Dân trí)

Mối quan hệ giữa “gắn bó nơi chốn” và không gian xanh đô thị

Sau những ngày làm việc vất vả, ta có thể tìm đến các không gian xanh để tương tác với thiên nhiên, với cộng đồng, để thoát khỏi sự ồn ã, tắc nghẽn và ô nhiễm của môi trường đô thị. Đáp ứng nhu cầu cơ bản này, không gian xanh đảm bảo yếu tố đầu tiên trong việc hình thành “gắn bó nơi chốn”: “phụ thuộc nơi chốn”.

Vườn Chính Phủ – Government Gardens – Rotorua – New Zealand

Bên cạnh đó, không gian xanh tạo cơ hội cho việc hình thành “bản sắc nơi chốn”. Đây là nơi mọi người được tiếp xúc với bầu trời rộng mở, không khí trong lành, cây xanh, mặt nước. Những hình ảnh này gần gũi với quê hương và tuổi thơ của nhiều người dân đô thị, và tạo cảm giác “thuộc về” trong họ (Brook, 2003). Nhiều nghiên cứu (Coley, Kuo và Sullivan, 1997; Sugihara và Evans, 2000) còn chỉ ra rằng người dân (không kể các nhóm lứa tuổi) có xu hướng gặp gỡ, trao đổi và hội họp thường xuyên hơn ở cộng đồng có nhiều cây xanh. Đây là điều kiện cơ bản để phát triển gắn kết cộng đồng (community attachment) cũng như “bản sắc nơi chốn”.

Tổng mặt bằng khu đô thị The Woodlands (Houston, Mỹ) theo thiết kế của kiến trúc sư cảnh quan Ian McHarg (Nguồn: The Woodlands in Focus)

Làm sao để gia tăng “gắn bó nơi chốn” trong đô thị?

Để duy trì và phát triển năng lực cạnh tranh về kinh tế – văn hóa – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, các đô thị nên tận dụng không gian xanh để tạo nhiều “nơi chốn” hấp dẫn và giàu bản sắc. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thứ nhất, mức độ sử dụng thường xuyên là yếu tố tiên quyết để hình thành “nơi chốn” và “gắn bó nơi chốn”. Do đó việc phân bố đồng đều và thiết kế chức năng của không gian xanh trong đô thị cần được chú ý. Không gian xanh với quy mô nhỏ có thể trở thành điểm gặp gỡ hàng ngày của một nhóm dân cư. Trong khi đó, không gian xanh với quy mô lớn như công viên, rừng đô thị, nên mang lại nhiều tiện ích, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của tất cả người dân như giải trí, rèn luyện thể chất, tương tác với thiên nhiên, hay tham gia các hoạt động xã hội.
  • Thứ hai, để tạo nên những “nơi chốn” đúng nghĩa, giàu bản sắc đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Do đó, thay vì tập trung vào quy hoạch, thiết kế đô thị và kiến trúc, việc mở rộng nghiên cứu liên ngành là điều cần thiết.
  • Cuối cùng, thiết kế không gian xanh cần dựa trên nhu cầu thực sự của người dân, gồm cả những nhóm người yếu thế. Điều này đảm bảo tính đa dạng và linh hoạt về chức năng, tạo tiền đề cho sự gặp nhau của nhiều cái “tôi” riêng để xây nên cái “ta” chung. Hơn nữa, người dân chính là đối tượng trực tiếp sử dụng không gian và tạo nên cái hồn đô thị. Cách tiếp cận vì thế nên từ dưới lên (bottom-up) hơn là từ trên xuống (top-down).

Lê Thu Trang – Tạ Anh Dũng/ Đại học Xây Dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)


Tài liệu tham khảo

  • Low, S. M., & Altman, I. (1992). Place attachment. In Place attachment (pp. 1-12). Springer, Boston, MA.
  • Bernardo, F., & Palma-Oliveira, J. M. (2016). Urban neighbourhoods and intergroup relations: The importance of place identity. Journal of Environmental Psychology, 45, 239-251.
  • Brook, I. 2003. Making Here Like There: Place Attachment, Displacement and the Urge to Garden. Ethics, Place & Environment 6:227-234.
  • Coley, R.L., F.E. Kuo, and W.C. Sullivan. 1997. Where Does Community Grow? The Social Context Created By Nature in Urban Public Housing. Environmental Behavior 294:468-492.
  • Kasarda, J. D., & Janowitz, M. (1974). Community attachment in mass society. American sociological review, 328-339.
  • Kyle, G., Graefe, A., & Manning, R. (2005). Testing the dimensionality of place attachment in recreational settings. Environment and behavior, 37(2), 153-177.
  • Proshansky, H. M. (1978). The city and self-identity. Environment and behavior, 10(2), 147-169.
  • Scannell, L., & Gifford, R. (2010). Defining place attachment: A tripartite organizing framework. Journal of environmental psychology, 30(1), 1-10.
  • Sugihara, S., & Evans, G. W. (2000). Place attachment and social support at continuing care retirement communities. Environment and Behavior, 32(3), 400-409.
  • Urban green spaces and health. Copenhagen: WHO Regional Office for Europe, 2016
  • Urban green spaces and health. Copenhagen: WHO Regional Office for Europe, 2016
  • Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn nội dung Thiết kế đô thị
  • Whyte, W. H. (1980). The social life of small urban spaces.
  • Williams, D. R., & Vaske, J. J. (2003). The measurement of place attachment: Validity and generalizability of a psychometric approach. Forest science, 49(6), 830-840.
  • Nghị định 64/2010/NĐ-CP quản lý cây xanh đô thị
  • Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 phân loại đô thị
  • Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 Quy hoạch xây dựng đô thị