Đồ án Bảo tàng Công viên địa chất Đồng Văn – Giải Nhất Loa thành 2018

Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang là nơi cư ngụ của dân tộc Mông, Tày và Hoa; được công nhận là công viên địa chất Thế Giới (UNESCO, 2010). Nơi đây có tiềm năng về nghiên cứu khoa học, khảo cổ học và phát triển du lịch. Đó là lý do bạn Nguyễn Mạnh Hùng lựa chọn “Bảo tàng Công viên địa chất Đồng Văn” trong quãng đường cuối cùng của một sinh viên kiến trúc. Đồ án thể hiện ước muốn về một sự đổi thay, mang những giá trị dần ẩn khuất bấy lâu gieo mầm trên mảnh đất đại ngàn.

Thông tin đồ án:

  • Đồ án: Bảo tàng công viên địa chất Đồng Văn
  • Giáo viên hướng dẫn: Ths. KTS Nguyễn Trần Liêm
  • Sinh viên thực hiện: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Trường: ĐH Kiến trúc Hà Nội
  • Giải thưởng: Đồ án đạt giải Nhất Giải thưởng Loa thành 2018

Bàn về tín ngưỡng Á Đông, “Đất” như biểu trưng của quá khứ-nơi ôm lấy vạn vật khi chúng vẫy chào cuộc sống, “Con người” là đại diện của hiện tại- thực thể sống đang tồn tại, và “Bầu trời” mang ý nghĩa số mệnh tương lai. Người Đồng Văn cho rằng vật vật đều có linh hồn, khởi nguồn từ Trời và Trăng. Từ ý niệm trên; tạo hình của đồ án dựa trên sự kết hợp giữa các hình- cung tròn (biểu tượng của sự sinh sôi và tương lai phát triển) và những hình hộp vuông (biểu tượng cho quá khứ, sự cần bằng và tri thức loài người). Các biến thể của hình tròn và hình hộp này được gọt đẽo chia nhỏ tránh tạo cảm giác lấn át choáng ngợp bối cảnh và đặt chìm trong hệ thống không gian đệm. Không gian đệm ấy là sự kết hợp phân vị dọc (cột thép)-là chiều của sự vận động địa tầng cũng như sự vươn cao của thực vật trên những vách núi đá và ngang (nan kính trong suốt)- là sự rẽ nhánh mở rộng về chiều ngang không gian. Ánh sáng chiếu xuyên qua cấu trúc hệ của lớp đệm nhằm tăng những trai nhiệm về xúc giác- cảm giác- thị giác. Gió khẽ làm rung động các lá thủy tinh tạo ra âm thanh trong trẻo mang đến những trải nhiệm về thính giác. Và đó là cách công trình tiếp cận với giá trị của ‘hồn nơi chốn” bằng những trải nhiệm đa giác quan.

Cấu trúc không gian được thiết kế với dụng ý làm đảo lộn khái niệm Trong- Ngoài. Trải nghiệm được tạo nên khiến người xem đi trong lớp đệm lắt léo tưởng đã vào sâu trong tầng cấu trúc nhưng chưa; hết lớp đệm, không gian sảnh lớn đầy ánh sáng được mở ra trước mắt tưởng như ngoại vi (bên ngoài) nhưng thực chất đây mới là ngưỡng cửa của một hành trình khám phá bên trong công trình. Sự sắp đặt dòng chảy giao thông ấy tạo nên một vòng lặp vô tận; xoá nhoà ranh giới phân định trong ngoài, con người và Kiến trúc cùng tan trong thiên nhiên núi rừng tự do tự tại. Chu trình di chuyển thấp thoáng nhắc ta về địa hình dốc trên cao nguyên vừa định hướng việc trải nghiệm hiệu ứng không gian (tuy không ngang bằng sổ thẳng nhưng vẫn đảm bảo mạch liên tục và có định hướng rõ ràng). Hiệu ứng chuyển tiếp được hình thành trong tâm thức người sử dụng bởi các cân nhắc trong thiết kế đa giác quan- phần nhìn ôm lấy con người, tác động tới các giác quan; phần nghe (của gió, thanh kính và chuông gió) vỗ về tâm tưởng, kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò.

Câu chyện được tiếp diễn bằng giấc mơ của con người. Dù là phương Đông hay phương Tây, con người luôn có một giấc mơ là được chạm tới bầu trời, được đi xuyên qua những đám mây và ước rằng mình có thể dạo chơi trên những đám mây đó. Và rồi họ truyền tai nhau những câu chuyện về những chuyến phưu lưu như một cách để thỏa trí tò mò. Phương Đông có “Từ Thức gặp tiên” còn phương Tây có câu chuyện về hạt đậu thần “Jack anh the Beanstalk”. Công trình ẩn trong những đám mây khơi gợi giấc mơ của con người về một Thế Giới trên trời như trong những câu truyện cổ tích. Và sự thật khi chạm tới được những tần mây đó họ mới nhận ra rằng chẳng có sự diệu kỳ nào cả, xa xa trước mắt họ là con người, những người Đồng Văn vươn lên tồn tại trước sự khắc nghiệt của tự nhiên. Và đó mới thực sự là điều kỳ diệu nhất. Bởi ai đó từng nói “người Đồng văn làm cho lúa, cho ngô nảy mầm từ đá”, đó chẳng phải kỳ diệu hay sao? Sau khi giúp con người gần hơn với những áng mây; công trình kì bí dẫn tới hang động của những hoá thạch cổ sinh. Nơi đây trước tiên là phục vụ nghiên cứu; kế đến là để con người tiếp cận- tham quan, phủ thêm một lớp giá trị vào môi trường tự nhiên, đó là yếu tố con người: giá trị của thiên nhiên chỉ được khẳng định bởi con người. Hang động ẩn mình trong vách đá mở ra một không gian hùng vĩ chứa đựng sự giao thoa của những thực thể (là con người – thực thể sống hiện tại và những dấu vết hoá thạch ngàn xưa – thực thể gìn giữ từ quá khứ).

Những khám phá dấu vết thời gian từ 400 triệu năm về trước và văn hoá bản địa thổi hồn vào công trình. Sau hành trình trải nghiệm, người ta lại được ngắm bức tranh cuộc sống , bức tranh của sự vươn mình trước thiên nhiên khắc nghiệt của đồng bào Mông nơi đây; cũng là gợi nhắc và sự song hành của những điều bình thường đến phi thường trong cuộc sống. Liệu những người dân bản địa chất phác cần cù ấy khi nhìn ra những giá trị di sản ngay trên mảnh đất quê hương, họ có tham gia gìn giữ và phát huy những giá trị ấy cho con cháu hôm nay và mai sau?

Bài triển lãm tại lễ trao giải:

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

Xem thêm: