Làng trẻ em SOS Thanh Đa – Giải Ba Loa Thành 2019

  1. Tên đồ án: Làng trẻ em SOS Thanh Đa
  2. Giải thưởng: Giải Ba Loa Thành 2019
  3. SVTH: Bùi Đức Tước Vy
  4. GVHD: Ths. KTS Phạm Quốc Phong
  5. Trường: ĐH Tôn Đức Thắng

Trẻ em, tuy luôn được quan tâm, ưu tiên, bảo vệ, được coi là “tương lai của đất nước”, nhưng những sự kiện gần đây về những “sự bạo hành”, “quấy rối”, “thiếu trách nhiệm”,… với trẻ em, đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của xã hội trong việc bảo vệ trẻ em, trong đó đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lang thang, cơ nhỡ.

Lựa chọn một khu đất nằm trong một khu vực bị bỏ trống nhiều năm tại Bán đảo Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, nơi tình hình về trẻ em cơ nhỡ luôn thật phức tạp, đồ án “Làng trẻ em SOS Thanh Đa” mong muốn sẽ tận dụng được những điều kiện tự nhiên hiện có, và quy hoạch định hướng tương lai khu vực, để đáp ứng về mặt thiết kế 2 trong 3 yếu tố quan trọng tạo nên nguyên tắc hoạt động của hệ thống “Làng trẻ em SOS” trên thế giới: người mẹ, ngôi nhà, ngôi làng.

Làng trẻ em SOS hoạt động theo mô hình “Gia đình thay thế”, khác với những trung tâm bảo trợ xã hội khác, làng trẻ em SOS không phân chia các em và cho các em sống chung trong một công trình lớn, như ký túc xá hay trại mồ côi, mà tạo cho các em được sống trong một “gia đình bình thường”, mỗi gia đình gồm 1 người mẹ và 6-10 trẻ ở độ tuổi khác nhau, cùng chung sống và sinh hoạt với nhau như một gia đình bình thường.

Dựa theo đặc điểm sinh hoạt của các đối tượng chính và điều kiện tự nhiên khu đất, đồ án đưa ra phương án bố trí mặt bằng tổng thể cơ bản như sau:

Khu nhà ở, bố trí tại phía nam:

  • Phần diện tích lớn nhất, áp dụng phương án bố trí phân tán, kết hợp hướng tâm tăng tính “làng”, tạo “xóm” trong thiết kế.
  • Ưu tiên khu vực lưu lượng giao thông ít, không khí trong lành nhất và gần khu du lịch sinh thái cho khu ở.
  • Khu nhà ở gia đình bố trí gần khu vực mặt nước, ưu tiên khí hậu cho các em.
  • Khu nhà ở nhân viên, nhà nghỉ hưu đặt gần cổng chính và nhà cộng đồng, tạo thuận lợi giao thông cá nhân và đi tới khu làm việc hằng ngày.
  • Các công trình khu ở sẽ được xoay tránh trực xạ từ phía tây.

Nhà cộng đồng (hành chính), bố trí giữa khu đất, sát đường giao thông chính phía đông:

  • Tạo điều kiện tiếp cận cho khách tham quan, các mạnh thường quân.
  • Dễ dàng tiếp cận từ phía khu ở và khu trường học.
  • Chừa vị trí phía trước nhà cộng đồng chính giữa phía tây cho sân thể thao, đảm bảo bán kính
    phục vụ.

Trường liên ba cấp, bố trí tại hướng bắc:

  • Gần đường chính và khu dân cư nhất, tạo điều kiện tiếp cận cho các đối tượng học sinh ngoài làng.
  • Khoảng cách từ trường đến vị trí khu ở khoảng 200m – khoảng cách ly cần thiết nhằm ngăn tiếng ồn, và sự va chạm ngoài ý muốn qua lại giữa khu ở và khu trường học (giờ tan tầm…).
  • Khoảng cách giữa khu trường học và khu nhà ở thuận lợi tiếp cận bằng đường bộ của trẻ em và bà mẹ (10 phút đi bộ).

Đất dự trữ bố trí hướng bắc: cách ly tiếng ồn từ nút giao thông chính tới khu trường học.

Công trình “Làng trẻ em SOS Thanh Đa” hướng tới đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương nhất là trẻ em cơ nhỡ, mong muốn đem lại một công trình giáo dục, nhân văn cho các em, đảm bảo: công năng khoa học, thiết kế bền vững, và đầy tính truyền thống Việt Nam.

Xem thêm các Giải thưởng khác tại đây:

Quỳnh Trang – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc