Các xu hướng sáng tác kiến trúc cộng đồng

Những năm gần đây, một số đơn vị tổ chức đã tham gia thiết kế các công trình cộng đồng với quy mô, tính chất, không gian khác nhau, với những tìm tòi, thể nghiệm riêng. Song chúng đều có đặc điểm chung là đáp ứng nhu cầu thiết thực, tăng cường kết nối, giao lưu, hòa nhập cộng đồng, góp phần tạo lập một xã hội bền vững. Dưới đây là 4 xu hướng chủ đạo về kiến trúc cộng đồng tại Việt Nam.

Xu hướng xanh, bền vững và công bằng xã hội

Xu hướng này dành quan tâm, hỗ trợ những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, giúp họ hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Công nhân là một trong những đối tượng cần quan tâm nhất hiện nay. Cuộc sống của phần đông trong số họ rất khó khăn do thu nhập thấp, trong khi đời sống tinh thần lại nghèo nàn vì không được hưởng các dịch vụ văn hóa, giải trí đầy đủ. Nhận thấy bất cập này, Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã có cách tiếp cận mới trong dự án nhà ở công nhân ngành hóa chất tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Dự án vừa hoàn thành tháng 5/2016, tạo môi trường sống trong lành cho công nhân, bù đắp lại lao động nặng nhọc, độc hại ở nhà máy.

Xem thêm: Không gian xanh với những giá trị trong cuộc sống đô thị ngày nay

Trong dự án, các khối nhà thông gió, chiếu sáng tự nhiên tốt, nhiều không gian xanh bao quanh, kiến trúc mặt đứng ấn tượng với hình ảnh cách điệu các nhánh cây vươn lên, cảnh quan nội bộ phủ cây xanh, mặt nước. Các dịch vụ tiện ích đi kèm như cửa hàng tạp hóa, nhà ăn bể bơi, sân bóng đá… được kết hợp ngay trong khu ở, tăng độ tiện nghi, tạo điều kiện cho công nhân vui chơi, rèn luyện sức khỏe và giao lưu gặp gỡ.

Tương tự, Văn phòng kiến trúc H&P thực hiện dự án Vườn vệ sinh cho học sinh nghèo ở Cao Bằng và Điện Biên, với vật liệu sẵn có, chi phí xây dựng thấp, thi công nhanh. Công trình được bao bọc bởi lớp màng thực vật xanh, đem đến không gian mới lạ, đồng thời giải quyết vấn đề vệ sinh trường học, không ô nhiễm.

Chia sẻ và hành động vì cộng đồng yếu thế, Cty H&P hướng tới đối tượng trẻ em vùng cao tại Tuần Giáo (Lai Châu) và Bảo Lạc (Cao Bằng), những địa phương mà người dân nói chung, trẻ em nói riêng không tiếp cận được với nguồn nước sạch và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Tại mỗi nơi, KTS thiết kế ngay trong khuôn viên trường học một nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường, giúp học sinh yên tâm học tập và vui chơi, không cảm thấy bất tiện như trước. Đối với người dân ven biển Đức Thọ (Hà Tĩnh), nơi cuộc sống cư dân nhiều khó khăn, càng thêm vất vả vì thiên tai hàng năm, Cty H&P đã dành tặng một không gian văn hóa cộng đồng giản dị, linh hoạt cao và chống chịu được gió bão.

Dự án Nhà ở nội trú cho trẻ em La Hủ, Mường Tè, tỉnh Lai Châu thực hiện bởi nhóm tình nguyện, do nữ KTS trẻ Lê Thu Huyền khởi xướng, hoàn thành năm 2013, sử dụng vật liệu tại chỗ, gạch đất không nung, mái tôn. Công trình giải quyết được bài toán kinh tế, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, mang đến hơi ấm cho trẻ em nghèo vùng cao.

Các dự án phát đi thông điệp mạnh mẽ về kiến trúc thân thiện với môi trường qua các giải pháp đơn giản, hiệu quả như thu mua nước mưa tái sử dụng, tận dụng vật liệu tự nhiên có sẵn như đá, tre, gỗ, lá hoặc đất sét trộn phụ gia ép thành gạch không nung đạt chuẩn thay vì gạch xây nung mà quá trình chế tạo tốn năng lượng. Sử dụng sông suối, ao hồ xung quanh để trữ nước mưa, làm mát quá trình bay hơi…

Kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa – kiến trúc dân tộc, địa phương

Xu hướng này khai thác yếu tố văn hóa bản địa góp phần tạo đa dạng cho kiến trúc, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội cũng như đề cao tính biểu tượng của công trình. Trung tâm Văn hóa Cộng đồng Cẩm Thanh là một ví dụ. Công trình đã nghiên cứu không gian, chắt lọc các chi tiết đặc trưng của nhà truyền thống phố cổ Hội An. Những chi tiết như mái hiên, cột hiên, giàn cây leo, cây cau – loài thực vật đặc hữu – trong sân và quanh nhà được chú ý, chọn lọc kỹ lưỡng, nhằm tái hiện một cách sáng tạo hình ảnh nhà ở truyền thống trong một công trình công cộng, tạo cảm giác vừa lạ vừa quen. Khách sẽ thích thú khi trực tiếp quan sát, cảm nhận sự tinh tế của kiến trúc bản địa khi ghé thăm công trình – một điểm dừng chân trên các tuyến du lịch.

Bên cạnh đó, xu hướng kiến trúc từ nguồn lực xã hội tự thân được nhiều tổ chức thiện nguyện hoạt động trên cơ sở tận dụng chính các nguồn lựa xã hội như Quỹ từ thiện “Cơm có thịt” cải tạo, thiết kế hệ thống các nhà nội trú, trường học cho trẻ em miền núi hoàn cảnh khó khăn. Quỹ ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương, bền vững, thời gian thi công nhanh. Gần đây nhất quỹ đã khánh thành Trường Tiểu học Lũng Luông, bản Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên…

Phần lớn dự án, hoạt động của các nhóm, tổ chức thiện nguyện khá hiệu quả nhưng mới dừng ở mức hỗ trợ nhu cầu tối thiểu cho cộng đồng như chỗ học, không gian chơi, ngủ và kiên cố hóa nhà cửa, mà chưa có giải pháp tối ưu thiết kế, thi công, tích hợp công năng sử dụng và văn hóa địa phương. Các dự án thiên về số lượng mà chưa nghiên cứu sâu về kiến trúc, ít kế thừa, phát huy bản sắc vùng miền…

KTS Hoàng Thúc Hào – theo kientrucvietnam