Thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm biệt thự được xây dựng từ thời Pháp (thường gọi là biệt thự Pháp) đến nay cũng đã hàng trăm tuổi, đương nhiên là tuổi thọ công trình giảm và việc tu bổ để nâng cấp phải được chú trọng. Nhưng thực tế đã có nhiều ngôi biệt thự xuống cấp không chỉ do thời gian mà còn do chính người sử dụng. Nhiều biệt thự đã bị thay đổi chức năng sử dụng, không duy trì chế độ duy tu bảo dưỡng, người dân tự sửa chữa, cơi nới mà không có hướng dẫn và kiểm soát của cơ quan có trách nhiệm..
Biệt thự Pháp ngoài vẻ đẹp kiến trúc còn có những đặc trưng của một thời mà vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, đá, gỗ, bê tông cốt thép khi đó rất ít. Kết cấu tường chịu lực là chủ yếu nên công tác duy tu bảo dưỡng hoặc nâng cấp cần có giải pháp thích hợp và phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn. Không thiếu các chuyên gia am tường về nghệ thuật kiến trúc và nắm vững kết cấu các biệt thự Pháp. Phải chăng chúng ta đang thiếu sự quan tâm và chưa đề cao trách nhiệm quản lý nên đã để một số biệt thự Pháp rất đẹp bị phá để xây mới vì lợi ích kinh tế. Số còn lại cũng đang trên đà xuống cấp và mai một dần đi.
Sự cố của những ngôi biệt thự Pháp gần đây đã và đang cảnh báo sự thờ ơ của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của đối tượng này trong tổng thể sự mải mê phát triển của Hà Nội.
TS.KTS Ngô Doãn Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc 09 – 2015)
Bài liên quan:
- Quản lí, bảo trì, bảo tồn các biệt thự Pháp tại Hà Nội
- Về các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội
- Một vài suy nghĩ về Biệt thự Pháp ở Hà Nội và phương pháp khôi phục, bảo tồn
- Bảo tồn, phát huy giá trị di tích kiến trúc và yêu cầu gia cố, bảo trì công trình
- Cần rà soát và triển khai sớm việc kiểm định chất lượng các công trình di sản
- Bảo tồn di sản phải an toàn và đảm bảo dân sinh
- Cần hiểu đúng về phương pháp bảo tồn
- Biệt thự Hà Nội: Kẻ muốn giữ, người muốn phá