Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ – Giải Nhất Loa Thành 2022

  1. Tên đồ án: Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ
  2. Giải thưởng: Giải Nhất Loa Thành 2022
  3. SVTH: Nguyễn Trường Duy
  4. GVHD: TS.KTS Phạm Phú Cường
  5. Trường: ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh

Đất đỏ bazan của vùng đất Đông Nam Bộ đa dạng và trù phú là một khái niệm như vậy. Ấn tượng bởi sự đa dạng của giá trị địa chất và ý nghĩa của dòng thời gian hình thành sự sống cũng như mối liên kết giữa bazan với con người trong hàng thiên niên kỉ. Nhưng trong dòng dung nham đã nguội lạnh kia nhưng mấy ai biết rằng nó vẫn muốn một lần nữa “sống dậy” sau ngần ấy năm con người đã tạo nên vết thương trên mỗi lát cắt bazan bằng máy móc và ô nhiễm môi trường.

Công trình tọa lạc tại mỏ đá Tân Cang thuộc TP. Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Đây là một vị trí thuận lợi nằm giáp với Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long nên thừa hưởng cả sự đa dạng sinh vật của vùng núi cao nguyên và phù sa trù phú của vùng đồng bằng châu thổ. Hiển nhiên đất bazan nơi đây không mang một sắc đỏ rực như các cao nguyên thường thấy mà lại mang màu sắc rất lạnh, rất nguyên bản của một dòng dung nham đã nguội từ hàng triệu năm. Hơn hết, công trình bảo tàng nằm ở mỏ khai thác đá bazan cũ – nơi dễ dàng tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa kiến trúc, tự nhiên và con người.

Nằm ở vị thế trên một vách đồi đá đã khai thác được hơn một thế kỉ, hiện trạng mang tính ước lệ về chiều sâu thời gian và chiều rộng không gian. Bên cạnh là địa hình đặc trưng của vùng đất bazan với các lớp địa tầng – địa mạo vô cùng ấn tượng và đặc sắc.

Hình khối công trình là một khối tổng thể như một khối đá bazan điềm tĩnh nhưng mạnh mẽ, dứt khoác. Trải dài đan cài vào các khối đá cao, được nhấn mạnh bởi các tháp có công năng trưng bày và là lối di chuyển xuống mỏ đá ngầm với ánh sáng tự nhiên liên tục rọi vào bên trong như hàm ý đất, đá và các sinh vật liên tục sống giữa quá khứ và hiện tại. Phần công trình mang cảm giác nhấc bổng tạo khoảng trống mang âm hưởng của kiến trúc bản địa để tránh tác động đến lớp hiện trạng địa chất bên dưới dốc đồi đá. Tuy nhiên, công trình không tạo hình một cách sáo rỗng mà tính toán các mảng đặc – rỗng, sáng – tối để tạo chiều sâu cả về không gian và ánh sáng. Bên trong công trình là một lõi mô phỏng hang địa chất xuyên suốt vừa tôn trọng tự nhiên, vừa gợi lên ý niệm hồi sinh mỏ đá và đất đỏ bazan đã chết.

Song song đó, điểm mạnh của đề tài bảo tàng địa chất nhằm không chỉ hướng đến việc lưu giữ và bảo tồn địa chất mà còn hướng đến giá trị kinh tế khi có thể vừa phục hồi và cải tạo mỏ đá cũ vừa phát triển xu hướng du lịch địa chất, một nhánh du lịch đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay trên thế giới cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và nền du lịch Việt Nam nói chung.


Xem thêm các đồ án đạt giải:

(Các đồ án  sẽ tiếp tục được Tạp chí Kiến trúc cập nhật trong thời gian tới, trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi tại:

Giải Nhất (2)

Giải Nhì (8)

Giải Ba (9)

Giải Khuyến khích (7)

Đinh Hằng – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc