Tham gia diễn đàn KTS: Khởi nghiệp Kiến trúc – Dễ hay Khó?

Bạn đọc thân mến!

Ngày 4/5/2016, tại buổi họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Năm 2016 là năm Khởi nghiệp của mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân!”.

Cho đến nay, khởi nghiệp đã vượt xa khỏi khái niệm ban đầu (Start-up chỉ sự bắt đầu công việc của SV mới ra trường hoặc các doanh nghiệp trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, tổ chức và vận hành doanh nghiệp) và xuất hiện những phạm trù mới như: Đô thị khởi nghiệp, Thủ đô khởi nghiệp, Quốc gia khởi nghiệp…

Theo TS Phạm Đình Tuyển (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐH Xây dựng) thì: “Khởi nghiệp là khát vọng (Khởi) của cả xã hội, nhằm tạo ra sản phẩm mới, quyền lợi mới, đưa mình, tổ chức và quốc gia đến vị thế mới (Nghiệp)”.

Là một ngành có những đặc trưng riêng, đặc thù với tính sáng tạo, nghề kiến trúc đang đối diện với một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Có lẽ, đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ của giới nghề, đặc biệt là với các KTS trẻ.

Chính vì thế, Diễn đàn KTS trong số Tạp chí Kiến trúc khởi đầu của năm mới 2017, đã thu hút được những chia sẻ của nhiều thế hệ KTS về những câu chuyện làm nghề, khởi nghiệp trong khi họ vẫn đang tiếp tục nối dài giấc mơ sáng tạo và thành công.

Một số ý kiến đã được ghi nhận như:

“Là một kiến trúc sư, bạn được đào tạo để thiết kế công trình
Là một người khởi nghiệp, bạn thiết kế doanh nghiệp
Là một người khởi nghiệp kiến trúc, bạn thiết kế cả hai”
KTS Nguyễn Thu Phong – CT.HĐQT – TGĐ
Nhavui Group, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM chia sẻ: “Tôi muốn chia sẻ với các bạn KTS trẻ những suy nghĩ về hoạt động khởi nghiệp kiến trúc tại Việt Nam trong những năm qua và thời kỳ bùng nổ công nghệ số ngày hôm nay. Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp kiến trúc – Khởi đầu mới cho một nghề cổ xưa

 

KTS Nguyễn Phước Thiện (TPHCM) chia sẻ: “Tôi từng hoạt động nghiên cứu kiến trúc, cả ở thị trường kiến trúc Anh, Mỹ và Việt Nam. Tôi cho rằng nhiều khi chúng ta đang lạm dụng từ start – up mà chưa hiểu rõ nghĩa của nó – Khởi nghiệp luôn bao gồm ý tưởng (idea) mới đi kèm với công nghệ để đi đến thành công. KTS có rất nhiều ý tưởng nhưng là ý tưởng sáng tạo chứ không phải là ý tưởng kinh doanh và hoàn toàn không được công nghệ hỗ trợ. KTS trẻ ngày nay nên hiểu rõ và chú trọng điều này. Xem toàn bài tại: KTS rất cần có công nghệ để phát triển ý tưởng sáng tạo

 

KTS Nhâm Chí Kiên – Công ty cổ phần Kiến trúc APDI – APDI Architecture chia sẻ: ” Theo tôi, các bạn KTS trẻ cần phải học hỏi để tích lũy kinh nghiệm trước, đến một thời điểm nào đó các bạn thấy đủ tự tin sau quãng thời gian trải nghiệm làm nghề, khi đó các bạn mới nên nghĩ đến việc đứng ra độc lập (khởi nghiệp)“. Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp kiến trúc: Mình được là chính mình

 

TS. KTS Mai Nguyễn – Trường ĐH North Carolina, Chapel Hill – Mỹ chia sẻ: “Thời của tôi đi học, 10% số SV được hỏi trả lời là sẽ mở doanh nghiệp làm về kiến trúc. Cho đến giờ, khi hỏi SV thì có đến 50% sẽ mở doanh nghiệp tự kinh doanh. Có thể thấy đó đang là xu hướng toàn cầu, các bạn có ý tưởng khởi nghiệp từ khi rất trẻ, nhưng sự thành công thì phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân và nhóm của mình. ” Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp đang là xu hướng toàn cầu

 

KTS Doãn Huy Hoàng – Giám đốc Văn phòng thiết kế Unlimited Architecture chia sẻ: “Tự phải tìm hướng đi, tự tìm miếng bánh phù hợp, tự tìm tòi xu hướng thiết kế, cách tiếp cận thị trường luôn là những trăn trở của các KTS trẻ khi khởi nghiệp – Để khi hợp nhất lại trong một bức tranh tổng thể chung của ngành kiến trúc sẽ không tạo ra những sản phẩm hỗn loạn, đơn lẻ, đầy tính chủ quan cá nhân. ” Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp kiến trúc luôn là những thách thức đối với các KTS trẻ

 

CEO Nguyễn Thành Nam – Tập đoàn FPT chia sẻ: “Bạn là KTS, bạn có nhiều ý tưởng kiến trúc – Nhưng chưa hẳn là bạn có thể kinh doanh tốt. Kiến trúc vẫn phải tuân theo những quy luật của thị trường. Tôi nghĩ thế.[…] Tôi cho rằng nếu nhận xét đô thị Việt Nam xấu xí, kiến trúc Việt Nam chưa đẹp thì trách nhiệm lớn thuộc về giới KTS. Vì các bạn chưa biết nói – tuyên truyền, dẫn dắt khách hàng theo những chuẩn mực chung của cái đẹp – thẩm mỹ trong kiến trúc.” Xem toàn bài tại: Phải phổ cập đào tạo kiến trúc cho người dân

 

KTS Bùi Đức Huy (Quảng Trị) chia sẻ: “Một số KTS trẻ ra trường mở ngay công ty, hành nghề thực tế luôn, nhưng tỷ lệ thành công rất hạn chế. Một hướng đi hiệu quả là làm nhà dân và nội thất trang trí. Bây giờ kỹ thuật, công nghệ được hỗ trợ nhiều. Tuy nhiên, anh em trẻ rất thiếu kỹ năng trình bày và viết dự án. Tôi cho rằng một hướng đi quan trọng cho tương lai đó là học ngay công nghệ BIM, ngoại ngữ tốt sẽ giúp hành nghề thuận lợi với sự liên kết với các công ty tư vấn nước ngoài…Xem toàn bài tại: Các anh em KTS luôn phải giữ Tâm với nghề

 

KTS Lưu Hoàng Long – Công ty CP Tư vấn Thiết kế Kiến trúc và Xây dựng Deline chia sẻ: “Để thực sự hành nghề tốt, ngay từ trong trường, các bạn sinh viên nên có những nhìn nhận thực tế hơn về ngành nghề Kiến trúc, cần có nhiều trải nghiệm thực tế, hiểu biết xã hội, kinh tế nhiều hơn, và cần nhất, nên biết một chút về luật pháp, để hành nghề, để tự bảo vệ quyền lợi bản thân…“. Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp kiến trúc là quá trình tìm kiếm môi trường hành nghề KTS

 

KTS Mai Trọng Nghĩa – Studio 13 Architects chia sẻ: ” Chung quy lại, tôi không nghĩ vấn đề khởi nghiệp dễ hay khó mà là chúng ta đã sẵn sàng hay chưa. KTS trẻ như tôi, hãy cứ bay bổng với những ước mơ của mình nhưng phải thực tế trong kế hoạch thực hiện những ước mơ đó và hãy nỗ lực hết mình vì nó.” Xem toàn bài tại: Khởi nghiệp kiến trúc – chúng ta đã sẵn sàng chưa?

Đó là một số ý đóng góp của các KTS đã, đang và sẽ bước đi trên chặng đường khởi nghiệp. Hiện tại, Tạp chí Kiến trúc vẫn đang tiếp nhận ý kiến chia sẻ của bạn đọc. Hãy cùng giới hành nghề chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Khởi nghiệp Kiến trúc trong thời kỳ hội nhập!

BBT Tạp chí Kiến trúc thân mời các Kiến trúc sư cùng chia sẻ ý kiến, bài viết, quan điểm về Khởi nghiệp Kiến trúc thông qua những câu chuyện, những kinh nghiệm trong công tác hành nghề. Bài viết xin gửi về Tạp chí Kiến trúc theo một trong hai hình thức sau:

  • Gửi email đến địa chỉ: info@tckt.vn (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia Diễn đàn KTS)
  • Hoặc gửi bài viết đến địa chỉ:
    Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc,
    Số 40 Tăng Bạt Hổ, P. Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của Quý bạn đọc!

Xem thêm:

BBT Tạp chí Kiến trúc