Trung tâm sinh hoạt văn hóa làng nghề muối tại Bạc Liêu – Giải Khuyến Khích Loa Thành 2023

  1. Tên đồ án: Trung tâm sinh hoạt văn hóa làng nghề muối tại Bạc Liêu
  2. Giải thưởng: Giải Khuyến khích Loa thành 2023
  3. SVTH: Võ Đông Như
  4. GVHD: TS. KTS Phạm Phú Cường
  5. Trường: ĐH Kiến trúc Tp. HCM

Cùng với con tôm, một trong những đặc sản nổi tiếng của Bạc Liêu từ xa xưa đến nay chính là hạt muối. Bạc Liêu có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, đồng thời cũng là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất muối.

Bạc Liêu khi xưa được mệnh danh là “Thủ phủ muối” một thời của Nam Kỳ lục tỉnh – một trong những giai thoại khiến người dân nơi đây tự hào. Bạc Liêu vang danh với những cánh đồng muối Kinh Tư bao la với những đụn muối trắng lấp lánh trong nắng chiều. Màu trắng xóa bạt ngàn của đồng muối nổi bật giữa nền trời xanh ngắt và màu nâu của ruộng đồng đã tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất nắng gió nơi đây một khung cảnh đầy xúc cảm khi các yếu tố Thiên – Địa – Nhân, không – thời gian như hòa làm một.

Nghề muối tại Bạc Liêu đã bước qua một hành trình dài hơn một thế kỉ để đến giờ vẫn cùng song hành mạnh mẽ với vùng đất này. Song, hiện tại những bước đi và chuyển mình của nghề đang dần chậm rãi và bấp bênh hơn do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc khan hiếm các công trình văn hóa nói chung và không gian sinh hoạt văn hóa làng nghề nói riêng khiến cho Bạc Liêu dù là một nơi có đủ tiềm năng bản sắc để vươn mình, nhưng đến nay các giá trị truyền thống đang dần bị lung lay và mai một dần bởi dòng chảy thời gian, sức ép của đô thị hóa và sự cạnh tranh của các ngành nghề có xu hướng thời đại.

Một công trình kiến trúc không đơn thuần là lưu dấu bản thân của chính nó trong không gian, mà còn là nơi ký ức và văn hóa được neo đậu. Vì thế, sự hình thành của “Trung tâm sinh hoạt văn hóa làng nghề muối” đóng vai trò như một bảo tàng của những giá trị “sống”, như một sợi dây liên kết các giá trị văn hóa của vùng đất từ quá khứ, hiện tại đến tương lai; phản ánh, vật thể hóa những ý niệm và hình ảnh về đời sống – văn hóa và khiến chúng trở nên đậm nét trong dòng chảy thời gian.

Bên cạnh đó, ý nghĩa của một không gian vật chất đóng vai trò như một “mỏ neo không gian”, giúp định vị rõ ràng nơi chốn của các giá trị văn hóa phi vật thể. Điều này đóng góp vào các giá trị tri thức cộng đồng, giúp những thế hệ mới sau này cũng như khách phương xa có thể tiếp cận và tìm hiểu.

Bối cảnh ngập nước vào mùa mưa và một vài đặc tính nhạy cảm của khu vực không cho phép chúng ta can thiệp quá sâu vào tầng địa chất. Vì thế, công trình cần có sự giao hòa và có những tác động “lành tính” trên nền hiện trạng. “Cái chạm nhẹ” là một sự miêu tả hoàn hảo cho những gì mà một không gian trong tưởng tượng mà tác giả muốn hướng đến. Công trình xuất hiện như một mảnh ghép vừa tương thích nhưng vẫn vừa độc bản, vừa mộc mạc nhưng vẫn đủ để lưu dấu trong bối cảnh. Dựa trên nghiên cứu đặc tính thị dân, công trình được biểu hiện bằng cách sử dụng ngôn ngữ thiết kế khúc chiết, cô đọng để vừa vặn với tâm thức và tạo sự gần gũi, thân thuộc cho cộng đồng nơi đây.

Sự tồn tại của công trình mang ý nghĩa như một “Diễn ngôn riêng của diêm nghiệp”. Nơi đây sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về muối và hơi mặn từ biển cả, nơi giúp ta hiểu được những biện chứng của sự thường hằng và biến dịch, khiến bản thân ta trân trọng hơn những giá trị văn hóa vẫn đang hiện hữu tại vùng đất bình dị này. Để sau nhiều thập kỉ nữa, khi đặt chân đến đây ta vẫn còn nghe những câu vọng cổ ngân nga trên những cánh đồng, những đụn muối  nhấp nhô trắng xóa vẫn còn in mình trên trền trời bao la, rộng lớn…


Xem thêm các đồ án đạt giải:

Các đồ án sẽ tiếp tục được Tạp chí Kiến trúc cập nhật trong thời gian tới, trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi tại:

Giải Nhất (2)

Giải Nhì (8)

Giải Ba (11)

Giải Khuyến khích (11)

Khánh Hòa – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc