Trung tâm văn hóa du lịch Búng Bình Tiên – Giải Ba Loa Thành 2020

  1. Tên đồ án: Trung tâm văn hóa du lịch Búng Bình Tiên
  2. Giải thưởng: Giải Ba Loa Thành 2020
  3. SVTH: Huỳnh Đông Khánh
  4. GVHD: Ths. KTS Phan Nguyễn Hoàng Nguyên
  5. Trường: HUTECH

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước tỉnh An Giang, vùng đất canh tác nông nghiệp là chính và chịu quy luật tuần hoàn của tự nhiên nên hình ảnh hai mùa khô và lũ khắc sâu trong tâm trí con người nơi đây. Tôi thấu hiểu phần nào sự vất vả của bà con nông dân, trong đó có cả gia đình tôi. Nhưng chính ở những nơi như vậy thì sự sống, sự sinh tồn của con người vào tự nhiên lại càng mãnh liệt, họ vẫn sinh sống và tạo ra nhiều giá trị văn hóa, câu hò, câu hát dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn, thiên nhiên vẫn khắc nghiệt. Đồ án như nỗi nhớ nhà của đứa con xa quê, là bước mở đầu đầu trong suy nghĩ về một công trình, về con người, về tự nhiên, về sự chống chọi của con người với thiên nhiên khắc nghiệt và những ý niệm trong tâm tưởng.”

Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở Đồng bằng sông Cửu Long thì nỗi lo lắng thất mùa, bỏ nghề truyền thống, tha hương làm ăn, sự biến mất của hệ sinh thái ngập ngọt, tuyệt chủng các loài cá tôm quý hiếm,…Ngày qua ngày, những vấn đề đó vẫn chưa được khắc phục bởi vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương; chưa khai thác triệt để tiềm năng nông nghiệp, thủy sản sẵn có; chưa tận dụng được yếu tố đa dạng văn hóa và các làng nghề truyền thống của khu vực để làm du lịch; chưa có sự kết nối giữa bà con nông dân và chuyên gia ban ngành; chưa có sự tư vấn về kiến thức chuyên môn về việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đánh bắt cho phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên; cũng như kết nối bà con vừa làm nông nghiệp kết hợp với các hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là du lịch theo dạng tập trung.

Công trình được đặt trên một dãi đất trải dài, lấy ý tưởng chủ đạo hướng Tây vừa là hướng tầm nhìn vừa là hướng tâm linh trong quan niệm tôn giáo Chăm Hồi giáo của khu vực nghiên cứu. Bởi vì hình dáng khu đất trải dài cho nên việc bố trí công trình theo dạng tập trung là không thể, công trình được bố trí theo bố cục phân tán. Ý tưởng hình khối từ ba yếu tố chính hình thành nên văn hóa khu vực là đất, nước, lúa, nơi giao thoa giữa đất, nước và trời, khi mà mùa lũ tràn bờ thì sẽ không còn biết đâu là ranh giới giữa nước và trời ở Búng Bình Thiên. Công trình hiện hữu là nơi gặp gỡ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, giao lưu văn hóa, sản xuất kinh tế, bảo tồn tự nhiên. Tất cả tạo nên một mối quan hệ bền chặt, một sự giao hòa thú vị, đầy màu sắc của một nền kinh tế nông nghiệp đi đôi với kinh tế dịch vụ trong tương lai.

Công trình gồm ba khu không gian chức năng chính là khu trung tâm giao lưu văn hóa, nơi diễn ra hoạt động lễ hội; không gian trưng bày các mẫu vật; không gian sinh hoạt câu lạc bộ; không gian dạy nghề, học nghề; không gian giải khát, mua sắm; không gian làm việc. Khu trải nghiệm giữ lại đồng lúa hiện trạng có một trục chính, rộng, nối khu trung tâm với điểm nút tháp ngắm cảnh. Ngoài ra, còn có các trục đường gỗ bay trên ruộng, tạm gọi bằng mỹ từ “nhón gót đi trên đồng xanh”, trục đường gỗ bay tạo ra nhằm đưa du khách trở về với quê hương, cảm giác chân thật nhất cảnh quan nơi đây không chỉ nghe, thấy, hít thở mà còn bằng xúc cảm. Các thửa ruộng, bờ đê được giữ nguyên vẹn để nông dân địa phương vẫn vào canh tác, du khách có thể trải nghiệm quá trình làm ruộng theo từng mùa khách đến. Lúc này, tạo nên một cảnh tượng sống động, có sự tương tác giữa người đến, người ở. Người đến có cái nhìn chân thật nhất, chạm vào điều họ mong ước, người ở thì nâng tầm lao động tăng giá trị bản thân và kinh tế, vừa làm nông vừa làm du lịch hai trong một. Khu điểm nút ngắm cảnh, lúc này vừa là điểm kết trong cuộc hành trình trải nghiệm vừa là điểm hướng tầm nhìn du khách ra Búng Bình Thiên. Khu nhà hàng, tháp ngắm cảnh ngoài chức năng trạm dừng chân, ngắm cảnh, phục vụ lượng khách lưu trú và khách vãng lai thì còn đóng vai trò như một khung tranh lưu giữ bức tranh Búng Bình Thiên trong mắt du khách. Là nơi thu lợi nhuận bổ trợ đẩy trung tâm phía trước phát triển. Ngoài ra, khu lưu trú xen kẽ nhà dân và đồng ruộng hiện trạng, được bố trí theo một trục chính và nhiều nhánh tẻ ra Bungalow, chòi Yoga. Đưa cảm giác người lưu trú cùng nhau di chuyển trên một trục đường chính, như chính trục đường quê, có sự tương tác trong khu nhỏ.

Phía sau gần mặt Búng là khu dân cư xóm chài, xóm câu hiện hữu. Thay vì dỡ bỏ một yếu tố mang tính địa phương, thì nay phát triển thành một giá trị văn hóa đặ trưng. Du khách có thể trải nghiệm cách nuôi cá trên bè, chính những người Chăm đánh bắt và đưa đò trước đây có thể làm lực lượng phục vụ chuyên chở du khách, thuyết trình về Búng Bình Thiên một cách sâu sắc nhất, giải quyết nhiều vấn đề như gìn giữ làng nghề, tạo thêm cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, đẩy Trung tâm văn hóa du lịch qua lời kể của người dân đến du khách một cách chân thật. Chính người dân là những người phát triển, quảng bá hình ảnh, đưa trung tâm lớn mạnh chứ không phải một yếu tố ngoại lai nào đến và cố thay đổi. Xa xa là những quán cóc, xóm nhà sàn ẩn hiện trên mặt nước Búng, tất cả là một background hoàn hảo và tự nhiên nhất.

Nội dung bài đồ án có thể chưa được trọn vẹn nhưng đó chính là ước mơ, ước mơ về một sự thay đổi, có thể là ngày mai, ngày kia, vài năm nữa, cũng có thể là còn rất lâu, hay rất khó thay đổi, nhưng thay đổi nhận thức là thứ chúng ta có thể làm được sớm nhất. Sự kết nối chính là mấu chốt. Kết nối giữa con người với con người, con người với tự nhiên. Mong cảnh sắc Búng Bình Thiên một lần nữa sẽ được bừng tỉnh bởi lớp áo mới, bởi nhiều hơn những hoạt động sinh hoạt văn hóa, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

Các hình ảnh khác của đồ án:


Xem thêm các đồ án đạt giải:

(Các đồ án  sẽ tiếp tục được Tạp chí Kiến trúc cập nhật trong thời gian tới, trân trọng kính mời quý bạn đọc theo dõi tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/ket-qua-giai-thuong-loa-thanh-2020-giai-thuong-duoc-cho-doi-nhat-nam-cua-sv-kien-truc-quy-hoach.html

Giải Nhất (2)

Giải Nhì (7)

Giải Ba (12)

Giải Khuyến khích (14)

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc